Theo Ban tổ chức, tính đến tháng 9/2021, tại 15 địa phương: Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang có tới 239 dự án bất động sản du lịch với hơn 114.097 căn hộ condotel, 24.399 villas, 30.899 shophouse. Tổng giá trị 3 sản phẩm lên tới 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính sách pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước, trở thành “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, đến thời điểm hiện tại, cần nhìn nhận rằng vướng mắc về pháp lý với bất động sản du lịch phải tiếp cận từ góc độ soạn thảo luật. Ông Võ cho rằng, việc xây dựng luật theo hướng quản lý quá chi tiết là không cần thiết.
"“Đất du lịch” là khái niệm chưa có, chưa được đề cập đến trong Luật Đất đai, mà đã không được định danh thì sẽ khó cho việc quy định, điều chỉnh", ông Võ nói.
Hiện nay, trong các dự thảo nghị định mới đã bắt đầu đề cập đến các tên gọi như condotel, shoptel…, nhưng chỉ là nhắc tên, còn nội hàm sản phẩm là gì, quy định cụ thể ra sao thì chưa có.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng hiện còn tồn tại một số hạn chế về pháp lý, như chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản, vì vậy, lĩnh vực này vẫn chưa có nền tảng pháp lý rõ ràng để các chủ đầu tư căn cứ định hướng phát triển ổn định, bền vững.
Cùng với đó là việc phân khúc sản phẩm này đang chịu sự điều chỉnh chung của nhiều hệ thống pháp lý liên quan, dẫn tới việc thiếu chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc thù từng sản phẩm như condotel, shoptel, biệt thự nghỉ dưỡng khác với nhà ở. Thực tế này dẫn đến việc thiếu nhất quán, đồng bộ trong áp dụng của cơ quan nhà nước.
Cuối cùng là việc chưa có quy định kiểm soát trách nhiệm giữa chủ đầu tư và khách hàng, chưa có chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư với cam kết lợi nhuận khi chào bán, dẫn đến các tranh chấp.
Từ thực tế này, ông Lực cũng đề xuất các giải pháp như phải sớm hoàn thiện khung pháp lý, định danh chính thức cho các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là các nội dung liên quan đến trình tự đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng. Cùng với đó là việc có các chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng tại các vùng, khu du lịch.
Còn theo PGS, TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì vụ việc cụ thể “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại Khánh Hòa đang dẫn đến những lúng túng trong quản lý, gây thiệt hại cho nhiều bên vì “chiếc áo” pháp lý quá chật với chuyển động của thị trường.
Bà Nhung đánh giá, việc cấp sổ cho đất kinh doanh thương mại là cần thiết cho hoạt động quản lý và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, có thể ban hành các văn bản dưới luật như nghị định hay thông tư liên tịch về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với “đất ở không hình thành đơn vị ở” đối với condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong ngắn hạn cần ưu tiên thực hiện xử lý các vướng mắc về pháp lý và thực tiễn theo hướng bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết và thống nhất về khái niệm bản chất và hình thức bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Có cơ chế quản lý sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tài sản cho người mua, dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Riêng với những dự án xây đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, cơ quan quản lý địa phương cần bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Các dự án và sản phẩm được hợp thức hóa phải đóng bổ sung tiền chuyển đổi mục đích theo giá thị trường và thuế sử dụng đất hàng năm do địa phương ban hành.