Văn bản hướng dẫn nhiều, nhưng vẫn thiếu
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) đặt vấn đề, hiện nay, hoạt động của các tổ chức tín dụng phải tuân thủ quá nhiều quy định của pháp luật của các ngành khác, bởi nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Trong khi đó, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chậm được hướng dẫn cụ thể… Do đó, các ngân hàng cần hiểu rõ những vướng mắc pháp lý trong thực tiễn triển khai, từ đó có thể phòng tránh rủi ro và tìm giải pháp khắc phục, bởi việc kiến nghị hoàn thiện pháp luật tốn rất nhiều thời gian, trong khi hoạt động kinh doanh phát sinh hàng ngày. Trong đó có những nội dung nảy sinh nhiều vướng mắc như giấy phép hoạt động, lãi suất huy động, việc đảo nợ, vấn đề bảo lãnh, giới hạn dư nợ cấp tín dụng, mua cổ phần của ngân hàng khác… Đáng chú ý, có tới 30 vấn đề bất cập về giao dịch bảo đảm được liệt kê, trong khi đây là một yếu tố quan trọng đảm bảo ngân hàng có thể thu hồi được vốn khi khách hàng không trả nợ.
Bà Lê Thu Hiền, Trưởng phòng Pháp chế Vietcombank nói: “Khó khăn, bất cập về pháp lý có rất nhiều, không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng về cơ bản thì vướng mắc nhất là giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm và vấn đề tố tụng”. Đây cũng là những nội dung ghi nhận được nhiều ý kiến từ đại diện pháp chế của các ngân hàng khác như Bắc Á Bank, Agribank, Techcombank…
Theo bà Hiền, các quy định về tài sản bảo đảm, giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến nhiều ngành, nhưng quy định của ngành này lại bị quy định của ngành khác, cơ quan khác hạn chế. Thông tư hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đến nay vẫn chưa được ban hành.
Về tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai, Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định, vấn đề này giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho ra đời văn bản hướng dẫn. Các ngân hàng không biết thực hiện theo quy định nào và vướng mắc đối với cả trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai riêng lẻ và dự án, tức là vướng mắc cả với chủ nhà và chủ đầu tư dự án.
Chưa kể, quy định về hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thực tế khi cho vay theo dự án, chủ đầu tư thường nhận quyền sử dụng đất mà không sang tên và chờ đến khi người mua có hợp đồng mua bán thì trực tiếp sang tên cho người mua. Như vậy, khi cho vay dự án, ngân hàng không có đủ hồ sơ để đăng ký, nhưng không nhận tài sản bảo đảm là nhà đất hình thành từ vốn vay thì “mất”.
Đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn nội dung nêu trên đã được khởi động, sẽ cố gắng ban hành sớm. Dù vậy, hứa hẹn này cũng không khiến các ngân hàng phấn khởi, bởi việc soạn thảo đã được đặt ra cách đây 3 năm. Trước những khó khăn trong xây dựng văn bản này, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chuyển thành Thông tư liên tịch với Bộ Xây dựng.
Luật sư Trương Thanh Đức nhận xét: “Rất nhiều quy định của pháp luật cho phép ngân hàng nhận tài sản thế chấp, nhưng thực tế có nhận được hay không còn phụ thuộc vào các mẫu biểu, các thủ tục cụ thể. Tù mù nhất về đất đai là không xác định rõ trường hợp nào được thế chấp, trường hợp nào không. Ví dụ, đất Nhà nước giao nhưng miễn thu tiền sử dụng thì có được thế chấp hay không? Không có văn bản nào quy định về vấn đề này”.
“Cứ theo công văn mà làm”
Tiếp tục chia sẻ về những vướng mắc pháp lý, đại diện Techcombank nêu vấn đề về sổ tiết kiệm. Vị đại diện này cho biết, có trường hợp khách hàng mở sổ tiết kiệm và ủy quyền cho người cháu rút tiền. Một thời gian sau, gia đình khách hàng đến ngân hàng và yêu cầu rút tiền do người gửi tiền đã mất (nhưng không đưa ra giấy báo tử). Sau đó, người được ủy quyền đến ngân hàng và yêu cầu rút tiền. Vậy trong trường hợp này, ngân hàng nên ứng xử thế nào khi mà không có quy định, văn bản nào hướng dẫn đối với việc xử lý tài sản của khách hàng đã mất. Thực tế hiện nay, các ngân hàng đều tìm cách “vận dụng” luật và không phải các ngân hàng đều ứng xử như nhau.
Có ngân hàng lựa chọn giải pháp là giao tài sản đó cho người thân như vợ/chồng, cha/mẹ… của khách hàng và yêu cầu họ làm văn bản cam đoan đã nhận tài sản, chịu trách nhiệm nếu có phát sinh tranh chấp thừa kế. Trách nhiệm ngân hàng coi như hết. Tuy nhiên, có trường hợp ngân hàng chỉ trả một phần tài sản cho người thừa kế và giữ phần còn lại, phòng khi những người thừa kế khác đến đòi. Nhìn chung, rất cần có sự hướng dẫn chung để hoạt động ngân hàng an toàn, tránh tranh chấp không đáng có.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các ngân hàng còn nêu các vướng mắc liên quan đến hộ gia đình, đến một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khác nhau, thế chấp tài sản ở nước ngoài, bảo lãnh… Trong nhiều lĩnh vực, nghiệp vụ ngân hàng, do không có văn bản pháp luật dẫn chiếu nên các ngân hàng đành phải xin công văn hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, một khó khăn lớn với các ngân hàng là hoạt động tố tụng trong quá trình thu hồi nợ. Chia sẻ của đại diện một công ty tài chính cho thấy, trường hợp khách hàng trốn đi nơi khác, giấu địa chỉ để ngân hàng không thu hồi được nợ, thì việc khởi kiện là vô cùng khó khăn. Công ty này sau 11 tháng nộp đơn mới được tòa án thụ lý. Lý do là tòa án yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện, do không xác định được địa điểm bị đơn cư trú. Công ty đã phải “bôn ba” để xin xác nhận của công an địa phương, nhưng xin không được nên đành chuyển sang xin xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố rồi ra phường xác nhận lại. Tuy nhiên, tòa án chỉ chấp nhận xác nhận của cơ quan công an, khiến vụ việc bế tắc kéo dài.
Luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó giám đốc Ban Pháp chế BIDV nhận xét, việc chuyển thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng về tòa án cấp huyện đang gây khó khăn cho ngân hàng do tiến độ chậm, thẩm phán thiếu kinh nghiệm…
Hiện chưa có hướng dẫn về tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai