Bức tranh sáng tối
Báo cáo là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), được bắt đầu từ năm 2018, nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam. Trong lần đầu ra mắt, báo cáo đã tập trung vào các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành ở cấp Trung ương trong năm 2018.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, xu thế pháp luật kinh doanh 2018 có hai điểm nhấn quan trọng là nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Đây là hai rào cản lớn nhất đối với khối kinh tế tư nhân. Kết quả là 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành đã được gỡ bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết, nếu nhìn vào tỷ lệ phần trăm các điều kiện kinh doanh được cắt giảm thì thấy đây là bước tiến lớn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều câu hỏi liệu việc cắt giảm có thực chất
Qua rà soát của VCCI cho thấy có sự chưa nhất quán giữa các bộ, ngành trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Các quy định thu hút đầu tư tư nhân chưa nhất quán hoặc mới chỉ nặng về ưu đãi, hỗ trợ mà chưa chú trọng vào những yếu tố nền tảng của thị trường như quyền hợp đồng, quyền tài sản, minh bạch thông tin.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cũng nhận xét, động lực cải cách là đến từ Chính phủ, hầu như chưa có bộ nào tự có sáng kiến cải cách.
Chờ sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa
Cùng với việc công bố báo cáo, VCCI đã lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Thương mại điện tử, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán...
Theo bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, vẫn còn một số bất cập và các bên tham gia thị trường đều mong chờ có sự cải cách mạnh mẽ.
Chẳng hạn, việc chào bán cổ phiếu của cổ đông lớn ra công chúng tại công ty cổ phần chưa đại chúng, hiện Luật Chứng khoán hiện hành và Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đều không quy định về việc này dẫn đến khó khăn khi các doanh nghiệp muốn bán vốn công khai.
Ngoài ra, còn một số hạn chế liên quan Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, những luật xương sống trong hoạt động của các doanh nghiệp cũng được bà Hải Anh đề cập.
Cụ thể, theo Điều 114, Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền được tham gia vào các quyết định quan trọng như đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm, hàng năm...; yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp. Quy định này, theo bà Hải Anh, là bất hợp lý.
“Trong vòng 6 tháng, Ban lãnh đạo hiện tại đã có thể làm nhiều việc và rủi ro cho nhóm cổ đông mới là rất lớn. Vì vậy, hầu như không có nhà đầu tư nào dám tham gia mua sở hữu lớn để nắm quyền điều hành nếu như không có sự thỏa thuận từ trước với ban lãnh đạo đương nhiệm”, bà Hải Anh cho biết.
Từ đó, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đề nghị phải có hành lang riêng đối với nhóm vấn đề liên quan đến quyền của cổ đông chiến lược tham gia sở hữu công ty qua quá trình M&A.
Một vấn đề khác được Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đề cập, đó là quy định về tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập trong công ty cổ phần. Do đặc thù doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ hoặc là cổ phần hóa từ DNNN nên cơ cấu cổ đông lớn thường tập trung và chiếm tỷ lệ chi phối.
Do đó, để đáp ứng quy định, các doanh nghiệp thường phối hợp với cổ đông lớn hoặc cổ đông chi phối tìm kiếm người đáp ứng tiêu chuẩn để bầu vào Hội đồng quản trị. Mặc dù đáp ứng tiêu chuẩn độc lập nhưng thành viên này vẫn phụ thuộc vào cổ đông lớn trong việc ra quyết định vì vẫn do cổ đông lớn dồn phiếu bầu. Nếu không có cổ đông lớn dồn phiếu bầu thì khó trúng cử.
Nổi bật trên bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 là thách thức tư duy quản lý trước phương thức kinh doanh mới - mô hình kinh tế chia sẻ. Đó là câu chuyện về hoạt động vận tải qua phương thức kết nối công nghệ và kinh doanh dịch vụ lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb.
Các hãng vận tải theo phương thức truyền thống chịu nhiều ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh, cơ chế quản lý, còn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ kết nối lại không chịu ràng buộc.
Từ đó dẫn tới những xung đột lợi ích, các hãng taxi truyền thống bị sụt giảm doanh số. Hiệp hội ngành nghề của các tài xế taxi đã có nhiều văn bản kiến nghị. Đỉnh điểm là việc Vinasun khởi kiện đòi Grab bồi thường vì cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá...
Dù thế nào, phương thức kinh doanh mới tiếp tục đưa đến những thách thức không nhỏ đối với tư duy quản lý trong năm 2019.