Đại diện Ngân hàng Agribank và chi nhánh Nam Hà Nội trình bày tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Đại diện Ngân hàng Agribank và chi nhánh Nam Hà Nội trình bày tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Đại án Agribank: Ngân hàng mong muốn thu hồi hơn 3.170 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngoài yêu cầu trên, Agribank còn đề nghị tòa sớm xét xử thu hồi tài sản lại cho ngân hàng, giao chiếc Bently (thuộc sở hữu bị cáo Phạm Thị Bích Lương) cho ngân hàng xử lý và tuyên buộc 4 pháp nhân thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi. 

Sáng nay (23/12), TAND TP Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi 18 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank thất thoát gần 2.500 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Agribank được xác định là nguyên đơn dân sự. Trước tòa, đại diện theo ủy quyền của Agribank trình bày các yêu cầu đến Hội đồng xét xử. 

Theo đó, Agribank cho biết tổng dư nợ gốc quy đổi ra VND tính đến ngày 15/12/2015 là 4.103 tỷ đồng. Trừ tài sản đảm bảo và số tiền 7,8 tỷ đồng các bị can khắc phục, tổng số tiền Agribank mong muốn thu hồi nợ là hơn 3.170 tỷ đồng.

Agribank cũng đề nghị tòa giao chiếc Bently (thuộc sở hữu bị cáo Phạm Thị Bích Lương) cơ quan điều tra đang thu giữ cho ngân hàng xử lý

Bên cạnh đó, Agribank đề nghị Tòa giao cho chi nhánh Nam Hà Nội toàn quyền phát mại, đấu giá tài sản để thu hồi, khắc phục thiệt hại. Agribank cũng đề nghị tòa giao chiếc Bently (thuộc sở hữu bị cáo Phạm Thị Bích Lương) cơ quan điều tra đang thu giữ cho ngân hàng xử lý. Đồng thời đề nghị tuyên buộc 4 pháp nhân Agribank đã giải ngân tiến hành thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi. 

Agribank cũng đề nghị cơ quan pháp luật tiếp tục truy bắt các đối tượng lừa đảo để khắc phục hậu quả vụ việc. 

Cán bộ Hải Quan có... một chút trách nhiệm

Bước sang ngày thứ ba, Hội đồng xét xử chuyển sang phần xét hỏi nhóm bị cáo là công chức Hải quan về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 4 bị cáo bị cáo buộc đã cho thông quan hàng hóa nhập khẩu của Công ty CP Enzo Việt và Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam trái quy định. 

Khoản 4, Điều 42, Luật Quản lý thuế 2006 quy định rất rõ: “Để được áp dụng sau hạn nộp thuế quy đinh... người nộp thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây: 

Có hoạt động xuât khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt, chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. 

Bị cáo Hoàng Tuấn Khanh là công chức Chi cục Hải quan Hà Tây từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2011. Bị cáo khai nhận có nhiệm vụ tiếp nhận mở tờ khai, kiểm tra hồ sơ hải quan, xác nhận thông quan đối với hàng hóa kiểm tra thực tế. Tháng 6/2011, Hoàng Tuấn Khanh tiếp nhận 10 tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu nguyên phụ liệu của Liên doanh Lifepro.

Biết rõ khi kiểm tra hệ thống kế toán thuế KT559, Khanh phát hiện thấy doanh nghiệp đang nợ thuế quá hạn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo vẫn đồng ý cho thông quan, để doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế 275 ngày. 

Bị cáo cắt nghĩa ký xác nhận thông quan “chỉ có giá trị đi đường”. Hoàng Tuấn Khanh thừa nhận có phần thiếu trách nhiệm. Bị cáo giải thích hành vi sai trái là do nhận thấy doanh nghiệp không có vi phạm pháp luật nên tạo điều kiện nhập hàng theo chủ trương của ngành. 

Bị truy tố về hành vi tiếp nhận 3 tờ khai của Enzo Việt, bị cáo Đỗ Thị Liên Hương (công chức bước 1) cho rằng thông quan là cả 1 quá trình. Tại thời điểm mở tờ khai, bị cáo thấy bản thân làm đúng, không thấy sai sót. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thấy “có một chút trách nhiệm”. 

“Theo bị cáo hiểu chỉ là trách nhiệm hành chính”, Hương nói. 

Trong khi đó, bị cáo Lương Thị Yên (nguyên phó chi cục trưởng chi cục Hải quan Hà Tây) khẳng định “làm đúng quy trình, không vi phạm”. Theo bị cáo, hậu quả xảy ra thuộc trách nhiệm của ngân hàng.

Bị cáo khai nhận được Lifepro gửi quà tết 50 triệu đồng tuy nhiên sau đó đã trả lại. 

Tin bài liên quan