Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngày 8/3/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết mục đích của các cuộc họp trong ngày 23/8 với lãnh đạo các nhóm đảng phái tại Hạ viện và Thượng viện là nhằm "tạo ra liên minh đa số lớn và ổn định nhất có thể để phục vụ đất nước". Cũng theo thông báo, việc bổ nhiệm Thủ tướng mới sẽ diễn ra sau cuộc họp này.
Trước đó, Pháp bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) ngày 7/7 trong khi bận rộn công tác chuẩn bị tổ chức Olympic mùa Hè 2024, diễn ra từ ngày 26/7 - 11/8 vừa qua. Tổng thống Macron đã đề nghị Thủ tướng sắp mãn nhiệm Gabriel Attal tạm thời đảm nhiệm công việc điều hành chính phủ cho đến khi thành lập được chính phủ mới.
Thủ tướng Attal đã gửi đơn từ chức lên Tổng thống Macron ngày 8/7 ngay sau vòng 2 bầu cử Quốc hội (Hạ viện). Trong cuộc bầu cử này, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) - gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, Cộng sản, Đảng Xanh và đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất (LFI) - đã giành được nhiều ghế nhất, với 193/577 ghế tại Hạ viện. Liên minh trung dung của Tổng thống Macron về thứ hai với 164 ghế. Trong khi đó, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu về thứ ba với 143 ghế.
Số ghế nói trên của liên minh cánh tả NFP vẫn chưa đủ đa số để tự thành lập chính phủ, do vậy liên minh này chỉ được phép lựa chọn ứng cử viên Thủ tướng để giới thiệu lên Tổng thống Macron. Trong khi đó, bất đồng trong việc thống nhất lựa chọn một chính khách đảm nhiệm cương vị Thủ tướng đã đẩy Pháp rơi vào bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới.
Theo các nhà quan sát, cả Tổng thống Macron và ông Attal đều không đồng ý để một đại diện của LFI, tổ chức lớn nhất trong liên minh cánh tả NFP, hay đại diện của đảng RN cực hữu đảm nhận vai trò lãnh đạo chính phủ mới.