Phao cứu sinh đúng lúc với doanh nghiệp gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) kỳ vọng, sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 68/NQ-CP.

“Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, Chính phủ cần phải có hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn”, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất.

Trước khi thực hiện gói hỗ trợ an sinh mới được ban hành tại Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, cũng cần phải đánh giá lại kết quả gói hỗ trợ lần một được ban hành tại Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, thưa bà?

Sau hơn một năm triển khai gói an sinh trị giá 61.580 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu. Đa số khoản tiền này chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ kinh doanh… Các khoản hỗ trợ khác, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng lao động vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc không đạt mục tiêu.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn dự kiến rất nhiều, nhưng xét trên khía cạnh đối tượng được nhận hỗ trợ, bà có nghĩ rằng, gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42/NQ-CP đã đạt được thành công nhất định?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, theo đánh giá của Chính phủ, là công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, bảo đảm nguyên tắc “hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu”. Mặc dù còn một số đối tượng khó tiếp cận chính sách, bởi các tiêu chí quy định ban đầu khá chặt chẽ, nhưng về cơ bản, những đối tượng yếu thế, khó khăn nhất đều đã được hỗ trợ.

Theo dự kiến, nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ là 61.580 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ giải ngân được hơn 53% kế hoạch. Như vậy, xét về tỷ lệ giải ngân, có thể nói, việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP không đạt mục tiêu đặt ra, nhưng xét trên khía cạnh đối tượng được hỗ trợ, số người được hỗ trợ, thì có thể khẳng định, gói an sinh lần một đã đạt kết quả bước đầu. Điều đáng tiếc duy nhất là “cấu phần” cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc, mất việc đạt được kết quả quá thấp.

Nhưng cuối tháng 10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động bị mất việc?

Nghị quyết 154/NQ-CP đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, mở rộng đối tượng hơn so với Nghị quyết 42/NQ-CP. Song kết thúc gói hỗ trợ này, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được 41,8 tỷ đồng cho 245 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 11.200 lao động, đạt tỷ lệ giải ngân 0,26% tổng ngân sách dự kiến hỗ trợ là 16.200 tỷ đồng.

Nguyên nhân là các tiêu chí, điều kiện cho vay quá chặt chẽ; kinh phí chỉ dùng để trả lương cho người lao động đã ngừng việc nên nhiều doanh nghiệp không thực sự muốn vay; mức vay thấp cũng khiến chủ doanh nghiệp không thực sự quan tâm.

Mặt khác, do có nhiều mẫu báo cáo tài chính phức tạp, nên công tác thẩm định, xét duyệt của các cơ quan nhà nước gặp khó khăn, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không thể chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương, vì trên thực tế, tuy gặp khó khăn về đơn hàng hoặc nguyên vật liệu, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, mặc dù với số lượng lao động giảm sút mạnh.

Để tháo gỡ vấn đề trên, ngày 1/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% lên tới 26.000 tỷ đồng. Theo bà, chính sách này sẽ sớm đi vào cuộc sống?

Nghị quyết 68/NQ-CP có thể khẳng định là rất tiến bộ, phù hợp với thực tế. Cụ thể là mở rộng phạm vi hỗ trợ; nới lỏng quy định cho vay; nâng mức cho vay; và kéo dài thời gian chi trả cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bị ngừng việc.

Nếu Nghị quyết 154/NQ-CP chỉ cho doanh nghiệp có doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay vốn, thì giờ bỏ điều kiện về doanh thu. Mức cho vay được nâng từ 50% mức lương tối thiểu vùng lên bằng với mức lương tối thiểu vùng. Thời gian chi trả cho người lao động ngừng việc được kéo dài lên 11 tháng (từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022), thay vì 9 tháng như trước đây.

Bà có tin rằng, gói hỗ trợ an sinh mới sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận?

Với những nới lỏng kể trên, tôi tin chắc rằng, sẽ có hàng chục ngàn doanh nghiệp mong muốn được vay vốn ưu đãi. Đặc biệt, nếu trước đây chỉ cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc, thì bây giờ cho cả doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động nhằm phục hồi sản xuất.

Bệnh dịch đang hoành hành và ngày càng phức tạp tại nhiều trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng…, nên sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Số doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính để trả lương cho người lao động nhằm duy trì và phục hồi sản xuất.

Trong tình thế đó, gói hỗ trợ an sinh của Nghị quyết 68/NQ-CP chính là phao cứu sinh cho cả doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống, Chính phủ cần phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính trong quá trình cho vay đối với doanh nghiệp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan