Nguy cơ hệ thống bán lẻ xăng dầu rơi vào tay nước ngoài
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, Chính phủ cần đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn 2018 - 2025 hoặc đến năm 2030. Trong đó, cần tính tới khả năng và những quyết sách quan trọng trong việc mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn cam kết trong WTO và các hiệp định thương mại tự do.
Theo ông Ruệ, trong các thỏa thuận đàm phán song phương, đa phương và cam kết quốc tế không có cam kết mở cửa thị trường phân phối xăng dầu cho nhà đầu tư nước ngoài, song trên thực tế hiện nay, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tham gia phân phối xăng dầu trên thị trường thông qua cơ chế liên doanh, liên kết, hoặc mua cổ phần, đầu tư vốn vào doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
Chẳng hạn, Petrolimex đã bán 8,9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay Liên doanh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, số vốn của đối tác nước ngoài trong liên doanh đã lên đến 75%.
Không chỉ có vậy, hầu hết các đầu mối xăng dầu đang tiến hành cổ phần hóa, đây chính là cánh cửa rộng để các doanh nghiệp FDI thông qua đầu tư cổ phần tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam như lĩnh vực bán buôn, bán lẻ thời gian vừa qua.
“Kinh nghiệm từ thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy, khi tham gia WTO, chúng ta cam kết một số mặt hàng có thời hạn mở cửa, nhưng chưa đến thời hạn thì các doanh nghiệp FDI liên kết với doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện những yếu tố mở cửa thị trường như trong lĩnh vực gạo, đường. Hiện nay, lĩnh vực bán lẻ đã phải chấp nhận sự có mặt trước thời hạn của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các thương vụ mua lại, sáp nhập, từ đó tác động tới toàn bộ thị trường trong nước”, ông Ruệ nói.
“Suất đầu tư vào xăng dầu rất lớn, chỉ tính tiêng đầu tư 1 cửa hàng xăng dầu đã lên tới hàng triệu USD. Nếu trong quá trình cổ phần hóa mà hệ thống cửa hàng không thuộc sở hữu của đầu mối xăng dầu thì rất dễ bị chuyển nhượng. Trong trường hợp này, chắc chắn phần lớn hệ thống bán lẻ xăng dầu sẽ rơi vào tay nước ngoài”, ông Ruệ cảnh báo và đề xuất, cần có những rào cản kỹ thuật hoặc những rào cản mà WTO không cấm để bảo vệ thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Mâu thuẫn về thuế nhập khẩu xăng dầu
Bình luận về cam kết cắt giảm thuế quan trong lĩnh vực xăng dầu theo các hiệp định thương mại tự do tại hội thảo “Cơ chế, chính sách đối với kinh doanh xăng dầu: một số đề xuất cải cách” do Hiệp hội Xăng dầu vừa tổ chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lưu ý rằng, việc cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại sẽ dẫn tới phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ANTIGA) với cam kết Nghi Sơn.
Cụ thể, nếu năm 2018, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028. Trong khi đó, theo ANTIGA, với mặt hàng xăng, từ năm 2023 thuế nhập khẩu giảm xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Đối với mặt hàng dầu diesel và mazut, thuế nhập khẩu là 0% từ năm 2016.
Ngoài ra, theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ năm 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%. Với dầu mazut, từ năm 2016, thuế nhập khẩu là 0%.
Một vấn đề khác, với lộ trình cắt giảm thuế và thuế suất khác nhau trong từng hiệp định như trên thì mức thuế trong hiệp định nào sẽ được lấy làm căn cứ hình thành giá bán khi Nhà nước điều chỉnh giá và để tính thuế nhập khẩu mà doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp?
Về phía doanh nghiệp, vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp sẽ tìm cách nhập khẩu từ thị trường có lộ trình cắt giảm thuế nhanh nhất với thuế suất thấp nhất tại thời điểm nhập khẩu.
“Ví dụ, khi nhập khẩu xăng thì doanh nghiệp sẽ chọn thị trường Hàn Quốc, vì thuế nhập khẩu xăng ô tô theo cam kết trong VKFTA là 10% từ năm 2016 đến năm 2020, là mức thấp nhất trong các hiệp định thương mại đã ký kết. Với diesel, các doanh nghiệp đều nhập khẩu từ ASEAN, vì theo ANTIGA, thuế nhập khẩu diesel là 0% từ năm 2016. Như vậy, rất dễ bị các đối tác ép giá và không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn để được hưởng mức thuế thấp và người bán nước ngoài hưởng lợi, trong khi giá bán trong nước bị đẩy lên, người tiêu dùng bị thiệt”, ông Tuyển nói.