Bất động sản khách sạn bứt phá
Trong báo cáo được công bố cuối tuần trước, CBRE đánh giá, Việt Nam đang chứng tỏ được vị thế trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á. Điều này được thể hiện thông qua công suất thuê phòng ấn tượng tại TP. HCM (65%) và Hà Nội (75%) trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt, công suất thuê phòng tại Hà Nội đã đạt mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cạnh tranh với Bangkok ở vị trí đầu bảng trong khu vực.
Chỉ số giá phòng bình quân ADR và doanh thu phòng bình quân REVPAR của cả TP. HCM và Hà Nội trong năm 2015 đều đạt mức cao so với Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, nhưng vẫn thấp hơn Singapore và Hồng Kông.
Lý do giúp phân khúc khách sạn tăng trưởng ấn tượng chính là nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Theo đó, chính sách miễn thị thực, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ đã giúp lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 13,5% theo năm đối với TP. HCM, 39,3% với Hà Nội và 39% với Nha Trang...
Điểm đáng chú ý là thời gian qua, có nhiều đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, như Accor, IHG, Marriott, Hilton và Starwood. Ngoài ra, nhiều chuỗi khách sạn và đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng như Wyndham, Holiday Inn và Pan Pacific cũng gia nhập thị trường Việt Nam, hướng tới các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, TP. HCM
Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, nếu như những năm trước chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Furama và Hoàng Anh Gia Lai, thì hiện nay, thành phố này đã có thêm 6 khách sạn 5 sao mới như Luxry Đà Nẵng, Furama resort, Melia Đà Nẵng resort, Olalani resort, Hyatt Regency resort, Intercontinental Danang Resort… Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có thêm 10 khách sạn 3 sao và 4 khách sạn 4 sao.
Nhà đầu tư ngoại vẫn ngập ngừng
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Robert McIntost, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ khách sạn, CBRE khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, thị trường khách sạn Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá mạnh. Với sự gia tăng nguồn cầu, các nhà đầu tư cá nhân cũng hướng sự chú ý đến thị trường khách sạn ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là phần lớn nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc này trong thời gian vừa qua chủ yếu là nhà đầu tư nội địa, với tỷ lệ từ 80 - 90%. Trong đó, nhà đầu tư phía Bắc, chủ yếu đến từ Hà Nội chiếm tới 75 - 85%.
Trên thực tế, phân khúc bất động sản khách sạn cùng với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng luôn được các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu thị trường đánh giá là đích nhắm tới của nhà đầu tư nước ngoài trong suốt thời gian vừa qua, nhưng mức độ sẵn sàng giải ngân của nhà đầu tư ngoại vẫn chưa thực sự cao.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu bất động sản dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Mặc dù vậy, góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài có sự khác biệt với nhà đầu tư trong nước. Trong đó, họ sẽ cần khoảng thời gian nhất định từ 3 - 6 tháng, thậm chí dài hơn để xem xét kế hoạch đầu tư của mình. Vì vậy, không khó là hiểu hoạt động đầu tư vào Việt Nam củ nhà đầu tư ngoại chưa thể ngay lập tức đạt như kỳ vọng.
Riêng với phân khúc khách sạn, ông McIntost cho rằng, ngoài các lý do nêu trên, thì một điều khiến nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn là hiện tại vẫn chưa có nhiều khách sạn thật sự được coi là hạng sang ở Việt Nam đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ việc giá phòng đã gần sát với mức giá quốc tế.
Do đó, nếu các dự án ra mắt sắp tới đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và dịch vụ, sẽ không khó để khiến nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn xuống tiền.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com