Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 7/1

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 7/1

Phân định rõ "quy hoạch cứng" và "quy hoạch mềm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) khi đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Hội trường Quốc hội sáng 7/1.

Xác định rõ vấn đề nào cần mục tiêu định lượng, vấn đề nào chỉ cần định tính

Sáng 7/1, tiếp chương trình Kỳ họp bất thường lần hai Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, đây là nội dung vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp, nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn xây dựng đất nước trở thành hùng cường.

Bên cạnh đó, vị đại biểu lưu ý, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn hoặc thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.

"Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước chứ không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành", ông An nêu quan điểm.

Quốc hội thảo luận ở Hội trường sáng 7/1

Quốc hội thảo luận ở Hội trường sáng 7/1

Cụ thể, ông An cho rằng Quy hoạch không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.

"Những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này. Còn những nội dung khác có thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như giáo dục, y tế thì nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến "bó khung", làm hạn chế việc phát triển", đại biểu đoàn Đồng Nai lưu ý.

Ngoài ra, ông An cũng đề nghị một số nội dung khác như: bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa và Nghệ An; xác định rõ ràng là nông nghiệp mới là ngành có thể so sánh, có thể cạnh tranh với thế giới; cần xem xét trong Quy hoạch, những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý...

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Cùng quan điểm cần định lượng một số mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như "dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn", "tốc độ phát triển cao", "tính kết nối cao", "khả năng cạnh tranh quốc tế cao".... nhưng chưa định lượng thì sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Ngược lại, theo ông Cảnh, trong Nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người (HDI) từ 0,8 trở lên. Đây là mục tiêu có định lượng giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này.

Cũng phát biểu đề nghị làm rõ một số chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ; vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Cụ thể, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nên xem xét, điều chỉnh mục tiêu “phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” thành “phấn đấu có 5 đến 10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”; đồng thời, xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số, đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15 - 20% trong giai đoạn 2021 - 2030 và tăng 5 - 10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Bà Thanh cũng đề xuất Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, đó là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc châu Á.

Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế sớm nghiên cứu hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cần đặt mục tiêu khả thi hơn

Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn đến con số định lượng của bản Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có 45 - 50 triệu lượt khách quốc tế.

Ông Minh cho rằng, chỉ tiêu này khó khả thi khi đặt ra mục tiêu trong 8 năm tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam phải cao gấp 13 - 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất

"Đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao, nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách", ông Minh nói.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

Cùng với đó, theo vị đại biểu, định hướng không còn hộ nghèo là vấn đề phi thực tế bởi chuẩn nghèo theo từng giai đoạn sẽ được nâng lên khi kinh tế ngày càng phát triển; song bên cạnh đó sẽ vẫn tồn tại những hộ nghèo vì lý do bất khả kháng.

Về vấn đề này, đại biểu đề nghị tập trung định hướng xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chủ động hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân khi có sự cố xảy ra.

Trong khi đó, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị phân tích, đánh giá tác động đảm bảo tính khả thi khi xác định Việt Nam là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn.

Cụ thể, ông Tuấn đề nghị cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không lặp lại các hệ lụy, có khung số liệu phục vụ cho việc xây dựng những kịch bản tăng trưởng khả thi, có những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách mang tính khả thi cao.

Đại biểu cũng kiến nghị trong quy hoạch cần đề cập sâu hơn việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được nghiên cứu xây dựng, lấy ý kiến đóng góp trong hai năm trước khi hoàn thiện.

Sáng 5/1, tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần hai Quốc hội khoá XV, dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu được trình Quốc hội.

Tiếp đó, sáng 6/1, dự thảo Nghị quyết được thảo luận tại tổ và nhận được 217 ý kiến đóng góp.

Cùng với 26 ý kiến góp ý tại Hội trường sáng 7/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều 9/1.

Tin bài liên quan