Năm 2010, diện tích cây ăn quả của cả nước sẽ phát triển lên 1 triệu ha.

Năm 2010, diện tích cây ăn quả của cả nước sẽ phát triển lên 1 triệu ha.

Phấn đấu xuất khẩu rau, hoa, quả đạt 760 triệu USD vào năm 2010

(ĐTCK-online)Thực trạng sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả đã được phân tích khá cụ thể tại Hội nghị "Triển khai quy hoạch phát triển sản xuất rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Tiền Giang.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau, hoa, quả. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu còn ít, chưa ổn định và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) còn thấp. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2000, KNXK rau, hoa, quả đạt 213 triệu USD, thì đến năm 2003 chỉ đạt 151 triệu USD, năm 2004 đạt 179 triệu USD, năm 2006 dừng ở con số 260 triệu USD. Theo đánh giá, mặt hàng rau, hoa quả Việt Nam mới chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù mặt hàng này đã bước đầu thâm nhập một số thị trường châu Âu, nhưng số lượng không đáng kể.

Theo báo cáo, thời gian qua, cả nước đã quy hoạch được một số vùng trồng rau tập trung ở cả 3 miền. Miền Bắc tập trung ở khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Hà Tây, Vĩnh Phúc. Miền Trung có vùng sản xuất rau Thanh Hóa, Nghệ An. Đã hình thành vùng rau ở các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ, rau công nghệ cao ở vùng ngoại thành TP.HCM, vùng sản xuất rau ôn đới Lâm Đồng...

Đối với hoa, cây cảnh, đến nay, đã phát triển được diện tích trên 13.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng hoa Tây Tựu (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai). Vùng hoa tập trung ở ngoại thành TP.HCM, đặc biệt là vùng hoa Đà Lạt ( Lâm Đồng) với việc trồng hoa công nghệ cao...

Vùng trồng cây ăn quả tập trung cũng đã hình thành với sản lượng hàng hóa lớn, như vùng mận Bắc Hà (Lào Cai), cam Vị Xuyên (Hà Giang), Bưởi Đoan Hùng, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên. Đáng ghi nhận là đã có một số vùng sản xuất quả tập trung cho xuất khẩu như thanh long Bình Thuận, sầu riêng và vú sữa Lò rèn... ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc phát triển sản xuất rau, hoa quả nói chung còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nổi cộm là công tác quy hoạch chưa đầy đủ, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến chưa được hỗ trợ giải quyết thoả đáng, diện tích canh tác quy mô nhỏ gây trở ngại cho việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất. Việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sản xuất và kinh doanh rau, hoa, quả tươi luôn tiềm ẩn rủi ro cao, nên các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh còn chưa yên tâm tập trung đầu tư cho phát triển. Trong phát triển sản xuất rau, hoa, quả phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, chưa thật sự có mối gắn kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và xuất khẩu hữu hiệu. Theo đó, cần tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn, sản phẩm cho năng suất và chất lượng cao, tạo thị trường ổn định. Để làm được điều này, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đặc biệt là quy hoạch một cách có hệ thống sản xuất rau, hoa, quả.

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thuộc các vùng trọng điểm phát triển sản xuất rau quả và hoa, cây cảnh quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất tập trung của địa phương. Theo đó, mỗi tỉnh lựa chọn sản phẩm chủ lực có thế mạnh và thị trường tiêu thụ tốt để tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất gắn với quy trình GAP nhằm tăng năng suất, chất lượng và sản xuất các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo quy hoạch, đến năm 2010, cả nước sẽ phát triển diện tích cây ăn quả lên 1 triệu ha, với sản lượng 10 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực xuất khẩu khoảng 255.000 ha, sản lượng xuất khẩu 430.000 tấn; diện tích rau 700.000 ha, sản lượng 14 triệu tấn; hoa, cây cảnh 15.000 ha, sản lượng 6,3 tỷ cành hoa cắt, xuất khẩu 1,5 tỷ cành; hồ tiêu 50.000 ha, sản lượng 120.000 tấn. Phấn đấu tổng KNXK rau, hoa, quả các loại đến năm 2010 đạt 760 triệu USD/năm và đến năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD/năm.