Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ nhân ngày Thương hiệu quốc gia 20/4.
Theo ông Hải, nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Theo thông tin từ Brand Finance, tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.
Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Trong hơn 15 năm qua, số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2018 đã tăng hơn gấp 3 lần, lên tới 97 doanh nghiệp.
“Mặc dù số lượng 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700 nghìn doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, nhưng nếu xét về mức độ tăng dần về số lượng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia qua từng kỳ, có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid hoành hành, vai trò, giá trị của doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia càng được thể hiện rõ nét. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 60% số doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia triển khai các hoạt động ủng hộ với số tiền hơn 80 tỷ đồng cho các hoạt động chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid 19. Trong đó, có hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp lớn trong các khu vực kinh tế như Vietcombank, Vietnam Airlines, Vinamilk, Hòa Phát…
Chia sẻ về định hướng của Chương trình Thương hiệu quốc gia thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đạt trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông cho các thương hiệu quốc gia ở trong và ngoài nước.