Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Dự thảo nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm, như "sớm hơn", "cao hơn"
Đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết thì nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch; giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đó là lưu ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 6/8.
Ngoài quyết định những nội dung theo thẩm quyền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn có văn bản tham gia ý kiến về dự thảo nghị quyết, trong đó có việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để kịp thời phòng, chống dịch Covid-19.
Điểm 3.1 của nghị quyết này cho phép áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ quy định, trên cơ sở đánh giá các mức nguy cơ khác nhau theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định áp dụng các giải pháp theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG nêu trên; căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tế có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại các văn bản nêu trên.
Để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt, song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán.
Trong dự thảo Nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng, thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện, thiếu nhất quán giữa các địa phương hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.
Cụ thể hơn, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết thì nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch; giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; tiêu chí để xác định khu vực, địa bàn nào là khu vực, địa bàn cần thiết.
Đối với các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc thì cần liệt kê cụ thể các biện pháp được áp dụng (ví dụ như thu giữ phương tiện thông tin, liên lạc, yêu cầu cài đặt ứng dụng bắt buộc, định vị theo dõi phục vụ truy vết...).
Vẫn theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì cần nêu cụ thể các biện pháp khác có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc viện dẫn điều, khoản cụ thể của các luật, pháp lệnh có liên quan (Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp,…) vì đây là các biện pháp đặc biệt, có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.
Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể quyết định áp dụng các biện pháp tương ứng với mức độ nguy cơ cao hơn diễn biến dịch thực tế tại địa bàn tại thời điểm ra quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm trong khung quy định chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trường hợp địa phương thấy cần áp dụng biện pháp khác chưa được quy định thì nhất định phải báo cáo và có ý kiến của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.
Trường hợp chưa thể quy định cụ thể ngay trong Nghị quyết này thì Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp được quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý chung, thống nhất với các giải pháp cụ thể (cả về nội dung, phạm vi, thẩm quyền và thủ tục áp dụng), đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Về tổ chức thực hiện, đề nghị từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là trong dự thảo Nghị quyết cần giao trách nhiệm cho một cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm cả những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong quá trình phòng, chống dịch bệnh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo Nghị quyết số 30/2021/QH15; tổng hợp báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp này. Trên cơ sở đó, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này nhằm thực hiện nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.