Giá phân bón cao kỷ lục
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiều loại phân bón tăng từ 60 - 80% và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí sản xuất tăng vọt.
Các loại phân bón hóa học (phân bón vô cơ) được sản xuất trên nền tảng công nghệ lấy dầu, khí là nguyên liệu chính. Theo đó, giá dầu tăng nên giá khí tăng, kéo theo giá urê từ khí tăng (khoảng 50% giá thành sản xuất urê đến từ giá khí), urê từ khí tăng thì urê từ than tăng.
Đáng lưu ý, giá nguyên liệu sản xuất phân bón như lưu huỳnh đối với phân NPK, amoniac dùng trong sản xuất DAP - một thành phần trong sản xuất urê tăng vọt.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2021, giá lưu huỳnh tăng 233%, axit sunfuric tăng 232%, amoniac tăng 220%, quặng apatit tăng 7,7%. Thêm vào đó, tình trạng thiếu container rỗng khiến giá cước vận tải tăng 3 - 5 lần.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, chi phí sử dụng phân bón trong sản xuất lúa chiếm 22%, cây ăn trái và rau màu từ 20 - 30%. Vì vậy, giá phân bón tăng cao tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, việc bình ổn rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng.
Tồn kho có khả năng tăng
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhận định, nhu cầu sử dụng các loại phân bón năm 2021 sẽ không tăng so với năm 2020, khoảng hơn 10 triệu tấn, trong đó 70% là phân vô cơ (chủ yếu là NPK, urê). Năm ngoái, Việt Nam sử dụng 10,23 triệu tấn phân bón, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ.
Tính riêng phân urê, hiện nhu cầu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long cho vụ 3, trong khi tình hình tiêu thụ ở Miền Bắc, Miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên rất hạn chế. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ trong quý III ở mức thấp, do yếu tố mùa vụ, thị trường phân bón từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là mùa thấp điểm.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu urê trong nước đang giảm, tháng 6 là 257.000 tấn, tháng 7 giảm xuống 226.000 tấn, tháng 8 ước còn 159.000 tấn và tháng 9 - 10 có thể chỉ đạt 126.000 tấn/tháng.
Được biết, 4 nhà máy sản xuất urê trong nước đang hoạt động ổn định, nên nguồn cung dư thừa, nhất là so với nhu cầu tại Miền Bắc. Dự phòng giảm áp lực bán hàng trong mùa vụ thấp điểm quý III/2021, kể từ tháng 8/2021, một số nhà sản xuất trong nước có động thái chào bán xuất khẩu như Phú Mỹ chào bán 30.000 tấn, xuất khẩu tuần đầu tháng 8/2021; Ninh Bình đàm phán xuất khẩu trong tháng 9/2021…
Trong khi đó, tháng 7 và tháng 8, nguồn cung từ nhập khẩu tiếp tục đều đặn về Việt Nam. Ước tính, lượng urê nhập khẩu trong tháng 8 khoảng 70.000 tấn, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 đạt 308.000 tấn. Trong cùng khoảng thời gian, khối lượng xuất khẩu ước đạt 265.000 tấn.
Cân đối nhu cầu urê cả nước thì lượng tồn kho đến cuối tháng 9 khoảng 280.000 tấn, tăng 80.000 tấn so với cuối tháng 8. Nếu không có giải pháp giải quyết đầu ra, tình hình tồn kho urê sẽ gia tăng, có thể đạt 461.000 tấn vào cuối quý năm 2021, gấp đôi cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt khoảng 10,5 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng từ các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng khoảng 7,5 triệu tấn.
Theo Công ty cổ phần Dữ liệu Kinh tế Việt Nam (Vietdata), trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước sản xuất được 4,068 triệu tấn phân bón các loại, tăng 9,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu 2,824 triệu tấn, tăng 20,1%, trị giá 803 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ; xuất khẩu 749.000 tấn, tăng gần 39%, trị giá 264 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020.