Trong phiên họp báo thường kỳ ngày 15/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt phương án sửa đổi 5 luật thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Trong đó, sẽ sửa đổi quy định về thuế VAT với mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Với quy định này, doanh nghiệp phân bón sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón hoặc những đơn vị sản xuất NPK chuyên dùng nguyên liệu nhập khẩu mới được hưởng lợi do không chịu thuế VAT.
Báo cáo đánh giá tác động về chính sách thuế đối với ngành phân bón của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT 10% chiếm hơn 50% giá vốn bị ảnh hưởng nặng bởi quy định này, khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ngày 16/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, theo đó, chuyển các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng “miễn thuế” sang chịu thuế VAT 0%.
Xét về giá trị thuế VAT đầu ra doanh nghiệp phân bón phải nộp, theo quy định cũ và đề xuất mới, đều bằng 0. Tuy nhiên, nếu quy định khung thuế suất bằng 0%, về bản chất, mặt hàng phân bón vẫn thuộc đối tượng chịu thuế VAT, doanh nghiệp phải kê khai thuế VAT đầu ra và sẽ được hoàn thuế đầu vào, giảm được gánh nặng chi phí.
Theo báo cáo phân tích của VCBS, nếu đề xuất này được thông qua, những doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như CTCP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF), CTCP Phân bón miền Nam (SFG), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) sẽ hưởng lợi lớn. Các doanh nghiệp này sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (hiện tại, giá phân urea Trung Quốc đang rẻ hơn phân bón nội địa khoảng 5 - 7%).
Trong đó, theo tính toán của VCBS, LAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Năm 2016, chi phí thuế VAT nguyên liệu đầu vào của LAS hơn 130 tỷ đồng không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí. Nếu áp dụng chính sách thuế VAT 0% với mặt hàng phân bón, Công ty sẽ giảm được khoản chi phí này, qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của doanh nghiệp này có thể tăng 77%, từ 138 tỷ đồng lên 245 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất phân lân nung chảy như VAF có thể thay đổi tăng trưởng lợi nhuận lên 66%, SFG tăng trưởng trưởng 26%.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất phân urea từ nguồn khí tự nhiên như DCM có thể tăng trưởng lợi nhuận 22%, DPM tăng trưởng lợi nhuận 19% nhờ chính sách thuế này. Năm 2016, chi phí thuế VAT của khí đầu vào tại DPM là 260 tỷ đồng không được khấu trừ.
Đánh giá được đưa ra từ Bộ Công thương, việc đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0% có thể giúp ngành phân bón trong nước tiết kiệm 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu.
Tuy vậy, không phải mọi doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn chứng khoán đều được hưởng lợi nếu đề xuất thuế này đi vào thực tiễn. Theo đánh giá của VCBS, BFC “không chịu tác động đáng kể do nguyên liệu đầu vào là thành phẩm, không chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào”.
Thậm chí, BFC có thể gặp bất lợi trong cạnh tranh về giá khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được giảm chi phí giá thành sản xuất nhờ chính sách thuế VAT 0%, còn BFC thì không.
Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi các luật thuế sẽ được Bộ Tài chính trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2018. Nếu dự thảo được Quốc hội thông qua thì việc áp dụng chính thức cũng phải từ 1/1/2019.