Phân bón Cà Mau (DCM) giảm xuất khẩu, tập trung vào thị trường nội địa

Phân bón Cà Mau (DCM) giảm xuất khẩu, tập trung vào thị trường nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM - sàn HOSE) đã dừng, giảm kế hoạch xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế để tập trung tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống .

Cuối năm 2020, thị trường phân bón 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn thách thức khi mà lượng hàng tồn kho cao, tình hình thiên tai (như hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại khu vực Đông Nam bộ - Tây Nguyên, lũ lụt tại khu vực miền Trung, miền Bắc…) có khả năng tái diễn, dịch bệnh covid-19 tiếp tục kéo dài, xu hướng đổi cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long… Điều này đã tác động không nhỏ đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch bán hàng của các đơn vị trong ngành khi mà nguy cơ về việc tồn ứ hàng hóa nghiêm trọng rất có thể xảy ra như trong quý I/2020.

Với lo ngại trên, ngay từ cuối năm 2020, một số nhà sản xuất phân bón trong nước đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong quý I/2021 để giảm tồn kho, cân đối cung cầu trong nước.

Tuy nhiên, giữa quý I/2021, nhận định về nhu cầu trong nước về phân bón tăng cao hơn cùng kỳ, PVCFC đã chủ động dừng/giảm mục tiêu kế hoạch xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế để nỗ lực tối đa, tập trung tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống. Các thị trường đã xác lập đối tác như: Ấn độ, Srilanka, Philipine, Bangladest, Myamar… đều tạm dừng không chào bán.

Hết 5 tháng đầu năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với mức công suất trung bình đạt 105%, đạt mức sản lượng ure quy đổi hơn 380 ngàn tấn và đã cung ứng toàn bộ ra thị trường.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bà con nông dân, Công ty đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường gần 70 ngàn tấn các sản phẩm khác như NPK, Kali…

Thị trường Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là thị trường mục tiêu số 1 của Công ty. 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ các loại phân bón tại khu vực đạt 260 ngàn tấn, tăng 14% so với kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2020. Trong đó riêng sản phẩm ure và các sản phẩm gốc ure do Công ty sản xuất chiếm 210 ngàn tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.

Lãnh đạo Công ty cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, dừng các hoạt động xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung đầy đủ, chất lượng, nhanh chóng, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 23/6, cổ phiếu DCM tăng 1,8% lên mức 20.150 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 5,38 triệu đơn vị.

Được biết, ngày 8/7, DCM tới sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020. Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 800 đồng. Như vậy, với 529,4 triệu chứng khoán đang niêm yết và lưu hành, Đạm Cà Mau sẽ phải chi 423,52 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Tin bài liên quan