500 triệu đến 3 tỷ đồng “đổi” 1 - 5 năm tù
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định 3 tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán gồm: Điều 181a, tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Điều 181b, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 181c, tội thao túng giá chứng khoán. Cả 3 điều luật này đều có những thay đổi lớn tại dự thảo BLHS sửa đổi.
Cụ thể, Điều 181a được sửa đổi thành Điều 211 tại dự thảo BLHS sửa đổi, có nội dung mới là: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 500 triệu - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1- 5 năm: có tổ chức, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên (thay vì quy định chung chung là thu lợi bất chính lớn như quy định hiện hành)... Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 250 triệu đồng (thay vì từ 10 triệu đến 150 triệu đồng như quy định hiện hành), cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm... Như vậy, với quy định mới của dự thảo BLHS sửa đổi, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 500 triệu - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm, thay vì theo quy định hiện hành là không có hình phạt tiền, mà chỉ có hình phạt tù từ 1 - 5 năm.
Vẫn với tư tưởng áp dụng nhiều hơn và nặng hơn các hình phạt tiền thay cho hình phạt tù, điểm mới tại Điều 212 dự thảo BLHS sửa đổi (sửa đổi Điều 181b hiện hành) là: người nào sử dụng thông tin nội bộ để mình hoặc người khác mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính từ 500 triệu - dưới 1,5 tỷ đồng (thay vì quy định chung chung hiện hành là thu lợi bất chính lớn), thì bị phạt tiền từ 500 triệu - 2 tỷ đồng (mức phạt hiện hành là từ 100 - 500 triệu đồng) hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 2 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm: có tổ chức; thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên (thay vì quy định chung chung là thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn như hiện hành). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng (quy định hiện hành từ 10 - 150 triệu đồng), cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm... Điểm mới đáng chú ý ở đây là, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 2 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm, thay vì hiện tại không có hình phạt tiền, mà chỉ có hình phạt tù.
Điểm mới tại Điều 213 (sửa đổi Điều 181c hiện hành) của dự thảo BLHS sửa đổi là: người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán: thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt từ 500 triệu - 2 tỷ đồng (mức phạt hiện hành là từ 100 - 500 triệu đồng) hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội có tổ chức; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên (thay vì quy định chung chung hiện hành là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng), thì bị phạt tiền từ 2 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng (mức phạt hiện tại là 10 - 150 triệu đồng), cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Lần đầu tiên “trói” trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Theo Bộ Tư pháp, trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới trên thế giới, bởi từ lâu vấn đề này đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia, cũng như các văn bản pháp luật quốc tế. Trong khu vực ASEAN, hiện có 5 nước đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và 2 nước, trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình xem xét bổ sung quy định này.
Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy, việc BLHS hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân người phạm tội, mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thể hiện sự thiếu công bằng, nhất là khi mô hình các công ty, DN đã khác nhiều so với các mô hình công ty, xí nghiệp trong cơ chế quản lý kinh tế cũ.
Trong nền kinh tế thị trường, giám đốc điều hành có thể chỉ là người làm thuê. Họ chỉ là người triển khai thực hiện một quyết định, chính sách của cả một tập thể là HĐQT hoặc của những ông chủ thực sự của công ty. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc cá nhân là giám đốc (hoặc người đại diện DN) chịu trách nhiệm hình sự, là thiếu công bằng, vì họ làm theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của tập thể, chứ không vì lợi ích của cá nhân họ.
Mặt khác, thực tiễn cho thấy, không ít tổ chức kinh tế, DN (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, có tính chất tội phạm như: trốn thuế, vi phạm các quy định về ngân hàng, chứng khoán…, nhưng chỉ có thể xử lý bằng các chế tài xử phạt như: hành chính, kinh tế, dân sự, nên chưa đủ sức răn đe.
Từ những lý lẽ trên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc đề xuất hình sự hóa trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tổ chức kinh tế đến thời điểm này là rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân. Do đó, Bộ Tư pháp đề xuất chọn phương án quy định pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội kinh tế có tính nguy hiểm cho xã hội, mang tính phổ biến và có tính khả thi, trong đó có 3 tội danh nêu trên trong lĩnh vực chứng khoán.
Thứ nhất, đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, dự thảo BLHS sửa đổi quy định: pháp nhân nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền gấp từ 1 - 3 lần mức phạt đối với cá nhân (bị phạt từ 100 - 500 triệu đồng); trường hợp pháp nhân phạm tội có tổ chức; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, bị phạt từ 3 - 5 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân (từ 500 triệu - 3 tỷ đồng), tương đương mức cao nhất là bị phạt tới 15 tỷ đồng.
Thứ hai, đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, dự thảo BLHS sửa đổi quy định: nếu pháp nhân nào sử dụng thông tin nội bộ để mình hoặc người khác mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, thì bị phạt gấp 1 - 3 lần mức phạt đối với cá nhân (500 triệu - 2 tỷ đồng). Trường hợp pháp nhân phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; gây hậu quả nghiêm trọng..., bị phạt từ 3 - 5 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân (2 - 5 tỷ đồng), tương đương mức phạt cao nhất có thể lên tới 25 tỷ đồng...
Thứ ba, đối với tội thao túng giá thị trường chứng khoán, dự thảo BLHS sửa đổi quy định, pháp nhân nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán: thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán, bị phạt tiền gấp từ 1 - 3 lần mức phạt đối với cá nhân (500 triệu - 2 tỷ đồng). Pháp nhân phạm tội: có tổ chức; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng..., bị phạt từ 3 - 5 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân ( 2 - 5 tỷ đồng).
Nếu pháp nhân phạm vào một trong ba tội danh trên, ngoài chịu các hình phạt như trên, còn có thể bị buộc công khai bản án, quyết định của Tòa án, cấm kinh doạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 2 năm.