Đi qua mùa dịch
Với diện tích 500 m2, lối vào Công ty TNHH May mặc Dony ở Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) đủ chỗ để đậu 2 - 3 chiếc xe tải cỡ trung, nhưng mấy ngày qua chật kín vì nguyên vật liệu chất ngổn ngang, lối đi chỉ còn đủ chỗ cho 3 xe máy.
Kể từ đầu tháng 3/2020, đơn hàng khẩu trang vải của Dony tăng đột biến, gấp 4 lần doanh thu mặt hàng chủ lực là đồng phục xuất khẩu. Công ty vừa hoàn thành đơn hàng trị giá 15 tỷ đồng với đối tác Trung Đông và đang chuẩn bị cho khách hàng tiếp theo với số lượng gấp đôi.
Các đơn hàng khẩu trang của Công ty đã lấp đầy đến tháng 7/2020. Doanh nhân Phạm Quang Anh, sáng lập May mặc Dony cho biết, Công ty đã phải tạm ngừng sản xuất đồng phục để dồn nhân lực may khẩu trang. Quang Anh phải chuyển gia công sang các xưởng khác để kịp tiến độ. Anh ước tính, có ít nhất 3.000 người đã được huy động may khẩu trang vải từ đầu tháng 3 đến nay.
Ý tưởng xuất khẩu khẩu trang vải đến từ Đào Tấn Điền, người bạn hồi đại học của Quang Anh. Trong thời gian dịch bệnh, Tấn Điền nhận nhiều quảng cáo khẩu trang kháng khuẩn Nhật Bản với giá 30.000 đồng/chiếc và cảm thấy khó chịu vì thông tin sai sự thật.
10 năm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng, Tấn Điền hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn. Tấn Điền đã trao đổi với Quang Anh và việc chuyển hướng của Dony diễn ra không lâu sau đó. Các thủ tục đăng ký kiểm định cũng được ráo riết chuẩn bị.
Theo tôi, muốn kinh doanh thành công thì có lẽ nên tìm học những người thành công
- Phạm Quanh Anh, sáng lập Công ty May mặc Dony
Sự bùng nổ doanh số khẩu trang khiến chính Quang Anh và Tấn Điền bất ngờ. Giá trị thấp (chưa tới 1 USD/chiếc), nhưng đơn hàng rất lớn và vì sự cấp bách trong mùa dịch, nên các đối tác thanh toán tiền rất nhanh. Trong 10 - 15 ngày kể từ khi nhận đơn hàng, sản xuất rồi chuyển cho khách là có tiền về, trong khi làm đồng phục phải mất 2 - 3 tháng.
Việc đầu tư chuyển đổi của Dony gần như bằng không, vì Công ty có thể tận dụng sẵn hạ tầng, trong khi kỹ thuật may khẩu trang vải không quá khó, nhất là với doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu như Dony.
Công ty tốn chi phí mua thêm máy đóng gói thành phẩm và thuê khử trùng theo công nghệ khí E.O dùng trong y tế ở nhà máy tại Bình Dương, nhưng không đáng kể so với doanh thu.
Sự chuẩn bị trong 10 năm
Sở dĩ Dony có thể bắt kịp nhu cầu khẩu trang tăng đột biến là do mô hình của Công ty là vừa sản xuất vừa làm thương mại trong ngành may mặc. Nếu theo mô hình thuần thương mại sẽ rất khó có đơn hàng do khách không thấy xưởng sản xuất, còn nếu thuần sản xuất thì số lượng nhân công sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro.
Với mô hình “lai”, việc giữ lại bộ phận sản xuất giúp Dony có thể lên mẫu sản phẩm, hiểu quy trình sản xuất. Khi đơn hàng tăng vọt, Công ty sẽ tìm các đối tác gia công bên ngoài theo chuẩn của mình. Nhờ nắm quy trình sản xuất, Quang Anh sẽ tính được thời gian cần thiết, số người cần thiết để làm ra một sản phẩm. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá đối tác.
Thứ đến là Quang Anh rất chịu khó tiếp thị Công ty trên các website thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), tham gia các hội chợ. Hằng năm, Công ty đều dành một khoản ngân sách cho việc này.
“Tôi nghĩ, để hưởng lợi từ khẩu trang vải, một phần nhờ may mắn, một phần nhờ nền tảng mà Công ty đã xây dựng bấy lâu nay”, Quang Anh nói.
Vị thuyền trưởng Dony sinh năm 1985, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM). Quyết định khởi nghiệp đến với anh trong quá trình làm truyền thông khi được dịp tiếp xúc nhiều doanh nhân thành đạt và nhận ra rằng, phần lớn đều xuất phát từ hai bàn tay trắng.
Chọn may mặc vì Quang Anh cho rằng, đây là ngành Việt Nam có thế mạnh, hệ sinh thái khá hoàn thiện và may mặc có nhu cầu tăng theo thời gian. Do ngành rất cạnh tranh và để phát triển bền vững, Công ty cần liên tục tối ưu hóa quy trình sản xuất, nên trong quá trình kinh doanh, Quang Anh học được rất nhiều, trong đó có cả việc thuê chuyên gia về đào tạo, tham gia các khóa học kinh doanh ngắn hạn trong và ngoài nước.
Điều may mắn nhất, theo Quang Anh, là được học đi đôi với thực hành. Kiến thức về tối ưu quy trình sản xuất được anh áp dụng ngay, vì chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm được 1 triệu đồng cho Công ty, thì một năm tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng.
Ít ngày nữa, xưởng thứ hai ở TP.HCM của Dony sẽ được đưa vào vận hành. Việc đầu tư để đáp ứng đơn hàng may mặc là chính, vì Quang Anh cho rằng, không thể xác định được nhu cầu khẩu trang vải trong dài hạn, trong khi mặt hàng này đang rất cạnh tranh vì đã có nhiều đơn vị trong nước sản xuất.
Các máy may túi tự động sẽ được trang bị tại tất cả cơ sở may. Việc này vừa giúp rút ngắn được 10% thời gian sản xuất đồng phục, vừa giảm thiểu tỷ lệ lỗi. Đối với Quang Anh, đầu tư vào cốt lõi doanh nghiệp là khoản đầu tư sinh lợi tốt nhất.