HSC trao tặng máy vi tính 
cho trường THCS Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

HSC trao tặng máy vi tính cho trường THCS Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Phẩm chất nhân văn làm nên mọi thành công

(ĐTCK) Báo cáo thường niên năm 2015 của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) gây ấn tượng mạnh với chủ đề “Nhân văn”. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC chia sẻ, thông điệp này không chỉ hướng đến nhân viên Công ty, mà mong chạm được đến từng đối tác, nhà đầu tư, để tính nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt của HSC trên thương trường.

Thưa ông, vì sao ông quyết định chọn chủ đề “Nhân văn” cho báo cáo thường niên của HSC năm 2015?

Theo tôi, sự thành công của mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều phải gắn với yếu tố con người, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ mà HSC đang hoạt động. Sự gắn kết giữa con người với con người tạo nên sự khác biệt giữa công ty này với công ty kia, giữa xã hội này với xã hội khác.

Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người tại HSC trong mối quan hệ gắn bó với môi trường bên ngoài và mong muốn những phẩm chất nhân văn được xây dựng trau dồi mỗi ngày, bắt đầu từ những con người tại HSC và lan tỏa ra bên ngoài, đến những người xung quanh, những người có mối quan hệ với HSC.

Trong  thông điệp của mình, ông đã nhấn mạnh: “Tôi tin rằng tinh thần nhân văn cần phải được xây dựng từ nhân phẩm mỗi cá nhân chúng ta trao cho những người xung quanh và các phẩm chất mà bản thân chúng ta luôn giữ gìn”. Ông đã làm gì để mong muốn đó thành hiện thực?

Trước hết, tôi định nghĩa “nhân văn” bao gồm hai khía cạnh, một là mỗi người phải xây dựng nhân cách của chính mình và hai là con người phải cư xử tử tế với nhau. Khái niệm “nhân văn” của tôi có đặc thù riêng là hướng đến giới trẻ, vì vậy, tôi chú trọng việc đào tạo các kỹ năng cứng, kỹ năng mềm cũng như bản lĩnh để giúp nhân viên trưởng thành.

Phẩm chất nhân văn làm nên mọi thành công ảnh 1

 Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC 

Tại HSC, tôi dành thời gian để đối thoại với nhân viên, ăn trưa với họ và đặc biệt dành nhiều thời gian nói chuyện với những người trẻ, để giúp họ hiểu định hướng phát triển con người của HSC. Đó là tại HSC, mỗi nhân viên không chỉ rèn luyện chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp, mà quan trọng hơn là cần hoàn thiện chính bản thân mình với những phẩm chất nhân văn. Cụ thể là phải trở thành con người tử tế, đàng hoàng, có bản lĩnh, biết phân biệt đúng sai để hành động, từ đó, phát triển bản thân mình và có ảnh hưởng tích cực cũng như biết giúp đỡ những người xung quanh.

Chúng tôi vừa thành lập một quỹ nhân văn trên cơ sở tự nguyện. Mỗi người tự nguyện đóng góp 1% lương hàng tháng vào quỹ. Quỹ được sử dụng để giúp đỡ các cá nhân trong Công ty khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ khẩn cấp. Ai cũng có thể gặp khó khăn vào thời điểm nào đó và cần sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng trước tiên để nhận được sự giúp đỡ khi cần, mỗi người cần sẵn sàng giúp đỡ người khác. Đó là một khía cạnh của nhân văn, khi mỗi người không chỉ biết phát triển bản thân mình, mà cần biết xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh trên tinh thần tương thân tương ái.

Ông có tin rằng, năng lực cạnh tranh của HSC sẽ được nâng cao khi mỗi một người trong Công ty đều lấy tinh thần nhân văn là kim chỉ nam để phát triển bản thân mình?

Thông điệp của tôi ở HSC rất rõ ràng, rằng nếu không trở thành người tử tế thì một nhân viên không thể trở thành một môi giới giỏi, một trưởng phòng hay giám đốc.

Trên thị trường, nhà đầu tư thường lựa chọn công ty chứng khoán đáng tin cậy để giao dịch. Để nhà đầu tư đến với HSC, họ phải tin vào con người HSC. Vì vậy, mỗi nhân viên của Công ty không chỉ cần vững về chuyên môn, mà còn phải trưởng thành, chứng tỏ được mình là con người đáng tin cậy, hành xử nhân văn.

Tôi mong muốn, mỗi nhân viên HSC khi hành động phải nghĩ đến người khác. Phẩm chất nhân văn cần trau dồi mỗi ngày, từ những việc nhỏ nhất, trong hành động của chúng ta mỗi ngày. Tôi có một thói quen là ở nhà sử dụng đồ như thế nào thì chỗ công cộng cũng dùng như vậy. Không thể ở nhà thì giữ gìn tiết kiệm mà lại hoang phí của công.

Ông có cho rằng, trong kinh doanh, sự nghiêm túc, đàng hoàng có khi lại mâu thuẫn với cạnh tranh?

Thực tế là có, nhưng chúng ta phải biết cân bằng giữa lợi ích của khách hàng, đối tác, nhân viên với lợi ích của doanh nghiệp. Để làm được điều đó, mỗi người phải biết phân biệt đúng, sai và có bản lĩnh để quyết định lựa chọn. Trên thị trường, chúng ta đã chứng kiến nhiều cá nhân, tổ chức thất bại khi có những quyết định sai lầm trong việc lựa chọn giữa đúng và sai.

Chúng ta đang sống trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, thương trường đươc miêu tả như chiến trường. Chúng ta được dạy cách tranh đấu để giành lấy phần hơn từ lúc còn chập chững và nhiều lúc đánh đổi bằng quyền lợi của người khác. Là một công ty, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đương đầu và tiến lên, nhưng tôi nhận thấy, lằn ranh giữa sự cho đi và nhận lại trở nên hết sức mong manh. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi nhất định tìm ra cách để cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, đạt được các kỳ vọng của cổ đông về lợi nhuận tài chính, đồng thời đem đến môi trường làm việc tốt cho đội ngũ nhân viên.

Được biết, cá nhân ông cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội để lan tỏa thông điệp của mình. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Tôi đã tham gia vào Hội đồng cố vấn của AIESEC Việt Nam, thành viên tại Việt Nam của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu giúp thế hệ trẻ phát triển khả năng lãnh đạo. Không chỉ đóng góp cũng như kêu gọi đóng góp tài chính cho Hội hoạt động, tôi còn hỗ trợ họ về thông tin, chia sẻ với họ về chủ đề liên quan đến vào đời, tạo điều kiện để họ va chạm với đời sống thương trường. Tôi cũng là thành viên Streets International, một tổ chức từ thiện tư nhân từ New York với một cơ sở ở tỉnh Quảng Nam, nhằm mục đích cải thiện đời sống và củng cố kỹ năng làm việc của các em bé mồ côi và trẻ em đường phố.

Tôi cho rằng, muốn người khác giúp đỡ mình, trước tiên mình phải biết giúp đỡ người khác, chứ không thể vô cảm được.

Ngoài ra, HSC còn muốn chăm lo cho cán bộ nhân viên của mình để họ yên tâm gắn bó lâu dài với Công ty bằng việc thành lập quỹ hưu trí khi pháp luật cho phép. Quỹ này sẽ là nguồn góp phần đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên sau khi hết thời gian lao động, cùng với các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, quỹ hưu trí cũng là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự phát triển hài hòa, lành mạnh của thị trường chứng khoán như thông lệ ở nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới. Theo tôi, đây cũng là hoạt động nhân văn đối với cộng đồng.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của HSC. Tại đây, các nhân viên được khuyến khích để khám phá và phát huy hết tiềm năng của bản thân. Công ty luôn có một loạt chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên ở tất cả các cấp bậc. HSC khuyến khích nhân viên báo cáo với người giám sát trực tiếp về mối lo ngại liên quan đến việc tuân thủ, đạo đức hoặc các nguyên tắc kinh doanh. Ngoài ra, HSC cũng đưa ra nhiều chương trình và phúc lợi nhằm nâng cao sức khỏe và phúc lợi của nhân viên, thay mặt nhân viên đóng góp vào quỹ Công đoàn. Trong nhiều năm liền, HSC nằm trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe và Talent Net bình chọn.

Xác định các mục tiêu dài hạn luôn gắn liền với các kế hoạch đóng góp cho xã hội, HSC đã làm việc với các cơ sở giáo dục để đào tạo các kỹ năng và các nhận thức về kinh doanh cho sinh viên, đồng thời cũng làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ để tham gia vào các dự án đồng hành và tư vấn các sinh viên và tạo cơ hội nghề nghiệp. Mục tiêu của các dự án này là để giúp các bạn trẻ định hướng và chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng trên con đường chuyển tiếp từ ghế nhà trường tới các bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của các bạn. Một trong các dự án quan trọng của HSC là tài trợ chương trình Sàn chứng khoán ảo FESE.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động cho những nhà lãnh đạo kinh doanh tương lai, HSC còn có các chương trình thăm hỏi các học sinh vùng sâu vùng xa. Trong năm 2015, HSC đã đến thăm các trường học như là trường Tân Sơn Nhì, Quận Bình Tân và trường tiểu học An Bồi, tỉnh Thái Bình để trao quà, dạy tiếng Anh và chơi với hơn 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5; tổ chức Hội chợ Sadeco gây quỹ cho các sự kiện từ thiện; trao quà Tết cho người dân làng Chiềng Bôm, tỉnh Sơn La.

Đến nay, HSC đã thành lập một quỹ từ thiện quyên góp cho các bệnh nhân khuyết tật tại Bệnh Viện Nhi Đồng 1 và 2 và Bệnh viện Ung Bướu. 

 “Quan điểm của tôi về tính nhân văn  bắt nguồn từ những quan sát của bản thân về cách mà mỗi chúng ta đối xử với người khác, về thái độ của chúng ta đối với phần còn lại của nhân loại... Suốt một năm qua chúng tôi đã phải đối mặt và duy trì sự phát triển bền vững dưới áp lực cạnh tranh từ tất cả các khía cạnh kinh doanh… Để thành công và hoạt động hiệu quả hơn, tôi tin rằng, chúng tôi cần phải nâng cao triết lý kinh doanh và tập trung tiến lên một tầm cao mới. Tôi muốn gọi mức độ này là Tinh thần Nhân văn. Việc đầu tư vào con người, không còn nghi ngờ gì nữa là sự đầu tư cốt yếu mà chúng tôi cần phải thực hiện. Đây là nơi mà Tinh thần Nhân văn cần được nuôi dưỡng, cho HSC, cho thị trường vốn của Việt Nam và cho Việt Nam”.
(Trích thông điệp của Tổng giám đốc HSC) 
Tin bài liên quan