Sự thành công về cả quy mô và kết quả đạt được của 4 lần tổ chức Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” cho thấy khát vọng xây dựng Hà Nội thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và lan tỏa tinh thần phát triển tới các địa phương trên cả nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra cuối tuần qua thu hút gần 2.000 đại biểu, cho thấy quyết tâm của Hà Nội là địa phương gương mẫu đi đầu cả nước trong hồi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.
Quyết tâm ấy còn được lãnh đạo Hà Nội khẳng định bằng việc phấn đấu thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn... Con số 229 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, với số vốn tương đương 17,6 tỷ USD tại Hội nghị nếu được hiện thực hóa sẽ là nguồn lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Để làm được điều đó đòi hỏi các cấp, ngành của Thành phố phải tiếp tục có sự chuyển động mạnh mẽ. Bởi, mặc dù Hà Nội được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhờ nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng sự chuyển biến ấy chưa đồng đều. Đơn cử, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Tính tiên phong của lãnh đạo TP. Hà Nội luôn ở tốp dẫn đầu, nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao”.
Trong khi đó, mỗi dự án đầu tư thường phải qua nhiều khâu, từ phê duyệt chủ trương đến nghiên cứu quy hoạch, tìm kiếm địa điểm, giao đất…, nếu một khâu chậm trễ sẽ kéo theo cả quy trình bị ngưng lại. Điều này khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội, tăng chi phí đầu tư và xã hội mất đi nguồn lực, thiệt hại không thể đo đếm được.
Điều đó đòi hỏi từng cấp, ngành và mỗi cá nhân được giao trọng trách phải thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm, cũng như ý thức tự giác phục vụ doanh nghiệp, người dân. Nếu không, mục tiêu hoàn tất thủ tục các dự án được trao chủ trương đầu tư trong quý III/2020 hay khởi công toàn bộ dự án đầu tư công trong quý III/2020 khó thành hiện thực. Khi đó, thành công của Hội nghị khó trở thành “vàng ròng” trong thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Quan niệm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã thay đổi, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Nhận xét của Thủ tướng cho thấy quyết tâm nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác phát triển từ Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” cần được tiếp tục lan tỏa trong từng công việc. Quyết tâm và cả nội hàm những hợp tác phát triển đó cần đặt trong tầm nhìn dài hạn. Đó là khát vọng xây dựng Hà Nội thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và lan tỏa tinh thần, động lực phát triển của Hà Nội cho các địa phương trong vùng và cả nước.
Mỗi Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” lại mang một tầm nhìn mới, khát vọng lớn hơn, cũng là những gì người dân và doanh nghiệp trông đợi ở chính quyền Thủ đô.