Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Phái sinh ghi kỷ lục giao dịch danh nghĩa 2.300 tỷ đồng/phiên

(ĐTCK) Trên 2.300 tỷ đồng là giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) cao nhất kể từ khi mở cửa sàn phái sinh Việt Nam, được thực hiện vào ngày 23/4/2020. Phí môi giới chứng khoán phái sinh các công ty chứng khoán thu trên giá trị ghi nhận này. 

Trật tự thị phần của các CTCK trên sàn phái sinh tính đến cuối quý I/2020 là VPS (55,4%); VNDirect (10,36%); MBS (8,58%); HSC (7,23%), SSI (6,54%), còn lại là các CTCK khác. VPS hiện miễn phí giao dịch phái sinh cho các khách hàng trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày mở tài khoản.

Do sàn phái sinh cho phép vòng quay giao dịch được thực hiện nhiều lần trong ngày, nên dòng tiền thực từ nhà đầu tư chảy vào sàn phái sinh không có thống kê chính xác, nhưng thấp hơn nhiều so với giá trị giao dịch danh nghĩa ghi nhận ở trên.

Sàn phái sinh hiện có tỷ lệ ký quỹ 13%, tức là nhà đầu tư chỉ cần đặt cọc 13 đồng là có quyền giao dịch đến 100 đồng.

Sàn có 2 loại sản phẩm chính là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, tuy nhiên, chỉ có một loại sản phẩm có giao dịch sôi động là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, loại sản phẩm còn lại hầu như không có giao dịch.

Về giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, trong tháng 4/2020, thanh khoản trên thị trường tiếp tục tăng so với tháng trước, khối lượng giao dịch bình quân đạt 206.603 hợp đồng/phiên, tăng 18,86% so với tháng trước.

Phiên có khối lượng giao dịch cao nhất kể từ khi khai trương hoạt động đến nay là ngày 23/4/2020, với hơn 261.000 hợp đồng.

Sang tháng 5, sàn phái sinh có nhịp giao dịch giảm nhẹ, với 3 phiên đầu tuần có khối lượng giao dịch dưới 200.000 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch danh nghĩa 13.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên (tương đương giá trị giao dịch thực 1.700 - 1.800 tỷ đồng/phiên).

Trong khi đó, không có giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ nào được thực hiện kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Điều đáng chú ý là tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục tăng từ 87,82% trong tháng 3 lên 88,23% trong tháng 4/2020 khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước giảm nhẹ, chiếm 10,9% toàn thị trường, tỷ trọng giao dịch tự doanh của CTCK giảm so với tháng trước, chiếm 0,87%, phần còn lại là của các tổ chức khác.

Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,87% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch các sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Tại thời điểm cuối tháng 4/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 110.458 tài khoản, tăng 7,48% so với tháng trước.

Theo một chuyên gia trong ngành, việc nhà đầu tư cá nhân nắm tới 87,82% giao dịch trên sàn phái sinh cho thấy, bức tranh lệch trên TTCK Việt Nam khi bản chất thị trường này cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro cho đối tượng chính là các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo với giá trị giao dịch ngày một lớn cũng cho thấy sự năng động của nhà đầu tư đại chúng trong việc luân chuyển dòng tiền giữa sàn phái sinh và cơ sở.

Tin bài liên quan