Trên một ấn phẩm của ngành chứng khoán mới đây, ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục quỹ đầu tư trái phiếu của Dragon Capital chia sẻ: “Tôi cho rằng, nhiều người có thể sẽ thất vọng khi TTCK phái sinh không mở rộng và phát triển nhanh như mong đợi, nhưng mọi người cần hiểu rằng, cần có sự kiên nhẫn và thời gian...”.
Ðề án khai mở TTCK phái sinh Việt Nam đã được ngành chứng khoán xây dựng, dự kiến Bộ Tài chính sẽ có một cuộc khảo sát lần nữa trước khi trình Chính phủ chốt ngày. Thực tế, bước vào sân chơi phái sinh là câu chuyện không dễ dàng, do mức độ phức tạp của sản phẩm, của quy trình nghiệp vụ, của hệ thống... cao hơn rất nhiều thị trường cơ sở.
Sau hơn 2 năm xây dựng nền tảng pháp lý và hạ tầng thị trường, tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho 6 đơn vị tiên phong tham gia thị trường này. Ðây cũng là các công ty chứng khoán trong Top lớn nhất TTCK Việt Nam, gồm SSI, HSC, VNDS, MBS, VCSC, VPBS.
Với các doanh nghiệp này, nhận giấy phép là sự kiện của ngày hôm nay, nhưng trước đó, họ đã có ít nhất 2 năm đầu tư âm thầm, tiền bạc và nhân sự, để đủ sức đảm nhận “sứ mệnh” tiên phong làm tổ chức tài chính trung gian trên TTCK phái sinh Việt Nam.
Trong góc nhìn của ông Dan Svensson, nhà đầu tư trong và ngoài nước rất vui mừng khi biết TTCK phái sinh sắp khai mở, bởi hiện nay “Việt Nam là một thị trường vốn chỉ có mua và hầu như không thể tận dụng được những kỳ vọng lãi suất sẽ tăng hoặc giá chứng khoán sẽ giảm”.
Tuy nhiên, là người từng trải trên thị trường vốn quốc tế, ông cũng chia sẻ rằng, công tác chuẩn bị cho TTCK phái sinh là một nhiệm vụ rất lớn và điều quan trọng là nhà quản lý cũng như các thành viên thị trường phải hiểu đầy đủ về rủi ro đối tác, rủi ro này cần phải thể hiện vào giá.
“Ở các thị trường phát triển, rủi ro đối tác đã bị lãng quên trong một thời gian dài và chính điều này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”, ông viết.
Bên cạnh đó, nếu các thị trường cơ sở như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường tiền tệ không hoạt động tốt, sẽ rất khó để TTCK phái sinh hoạt động được.
Nhà đầu tư kỳ vọng và chờ đợi thị trường mới khai mở là điều đáng trân trọng, nhưng kỳ vọng cần dựa trên sự hiểu biết hợp lý, chứ không thể mong thị trường mới ra có thể thay đổi hoặc làm tăng trưởng mạnh mẽ dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam.
Với lực lượng 6 công ty chứng khoán và 2 sản phẩm đầu tư (hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số), nền tảng của TTCK phái sinh hôm nay có nét tương đồng với thời điểm TTCK cơ sở, khai mở năm 2000 (cũng 6 công ty chứng khoán và 2 mã cổ phiếu REE, SAM).
Trải qua 17 năm, TTCK cơ sở có sự tăng trưởng về nhiều mặt (vốn hóa từ 1.200 tỷ đồng năm 2000, dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD năm nay), vậy TTCK phái sinh cần bao nhiêu thời gian để lớn mạnh?
Bên cạnh nỗ lực tiên phong của các thành viên, thị trường non trẻ này rất cần những chính sách pháp lý, khuyến khích và hỗ trợ thiết thực cho nhà đầu tư, cho các công ty chứng khoán, để câu chuyện xây dựng TTCK phái sinh không chỉ của riêng ngành chứng khoán, mà ở đó có sự góp sức của toàn xã hội, xây dựng một thị trường mới, có giá trị dài hạn với nền kinh tế Việt Nam.