Tiến độ giải ngân vốn của gói 30.000 tỷ đồng tại khu vực TP. HCM (nơi được xem là nhu cầu về nhà ở luôn tăng cao) đến thời đã được bao nhiêu, thưa ông?
Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 02 đến nay, 5 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước được giao nhiệm vụ triển khai cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank, MHB) đã tích cực triển khai và chúng tôi cũng đã kết hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện cùng các ngân hàng để tuyên truyền, hướng dẫn cho người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay. Thế nhưng, tiến độ giải ngân vốn vẫn khá chậm.
Tính đến cuối tháng 9/2013, cả địa bàn Thành phố chỉ mới có 137 hồ sơ được ký giữa các ngân hàng - khách hàng cá nhân và chỉ có 1 khách hàng doanh nghiệp.
Tổng nguồn vốn cam kết giải ngân đối với cá nhân có thu nhập thấp mua nhà là 74,8 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân được 22 tỷ đồng.
Còn 1 khách hàng doanh nghiệp cũng đang được Agribank xem xét hoàn tất hồ sơ để cho vay 540 tỷ đồng, đó là dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang xã hội của Hoàng Quân.
Hiện chúng tôi đang tích cực triển khai, đảm bảo nguồn vốn này sử dụng đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ. Nguồn vốn này chỉ được triển khai trong 3 năm. Sau thời gian 3 năm, gói vốn này giải ngân được bao nhiêu cũng sẽ ngưng đúng tiến độ, nên chúng tôi nhận thấy phải quyết liệt để có thể kịp thời hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, nhưng còn nhiều vướng mắc.
Vậy theo ông, các điểm nghẽn nào cần tháo gỡ để có thể khơi thông được gói tín dụng này?
Qua làm việc và kiến nghị từ phía các ngân hàng, chúng tôi được biết, điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai cho vay đối với gói tín dụng trên đó là hiện các phòng công chứng không công chứng việc cho vay bằng tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai. Trong khi đó, đối với gói vốn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, NHNN cho phép các ngân hàng được cho khách hàng vay vốn thế chấp bằng tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai chính là căn nhà mà khách hàng sẽ sở hữu.
Vì thế, phía ngân hàng không thể cho vay do sợ rủi ro, nhất là đối tượng vay là người thu nhập thấp.
Để gỡ nút thắt này, cần thiết phải có hướng dẫn từ Bộ Xây dựng về việc cho phép thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để công chứng chấp nhập, thì phía ngân hàng mới có thể đẩy mạnh vốn cho vay.
Mặt khác, để chứng minh khách hàng phải không có nhà mới được vay cũng là khó khăn, vì địa phương không thể xác minh được ở nơi khác họ có nhà hay không.
Nhưng việc chứng minh nguồn thu nhập trả nợ cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng không hào hứng cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 11/2013/NHNN, ngân hàng xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, NHNN giao quyền cho ngân hàng thương mại quyết định có thế chấp hay không tùy thuộc vào tình hình tài chính và năng lực trả nợ của khách hàng vay. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét cho vay, ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh được nguồn thu nhập trả nợ. Nhưng với người thu nhập thấp sẽ rất khó chứng minh được nguồn thu nhập trả nợ.
Điều này đã góp phần cản trở người đi vay và cả tổ chức cho vay, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, các tổ chức tín dụng khá thận trọng trong cho vay để hạn chế rủi ro nợ xấu. Vì thế, dù với gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp, có thể không cần tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng phải chứng minh được thu nhập trả nợ, nhằm tránh rủi ro nợ xấu.
Vì lý do này mà phía người vay kiến nghị được kéo dãi thời gian trả nợ lên 15 - 20 năm.
Còn với doanh nghiệ,p tại sao đến nay chỉ mới xem xét hồ sơ của 1 khách hàng?
Đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ được ngân hàng xét duyệt hồ sơ gửi lên Bộ Xây dựng. Sau khi được Bộ Xây dựng xét duyệt đồng ý cho vay, thì các hồ sơ này mới được trả lại ngân hàng để tiến hành giải ngân. Tuy nhiên, các điều kiện để được vay vốn từ gói tín dụng trên lại rất khắt khe, chủ đầu tư phải có đất sạch và tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội.
Hiện một số dự án đang xin chuyển đổi công năng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng vẫn chưa hoàn tất, vì thế, rất khó tiếp cận được nguồn vốn trên.
>> Sốt ruột chờ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng