Phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng.

Đó là một trong những đề nghị của Ủy ban Tư pháp với Chính phủ, trong công tác phòng chống tham nhũng.

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại Quốc hội chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác phòng chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, thời gian qua, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng; chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, còn nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ, công chức…

Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực ; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc xử lý vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo vẫn còn, một số doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều cuộc trong năm; còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp …

Về phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhận định năm 2021, công tác này tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý.

Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án ; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang … Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò trong công tác phòng chống tham nhũng.

Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn . Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh… Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu . Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga báo cáo.

Đánh giá tình hình, Ủy ban Tư pháp nhận định, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục ... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng vẫn còn, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tin bài liên quan