Phải lập bộ phận quản trị rủi ro, CTCK nói gì?

Phải lập bộ phận quản trị rủi ro, CTCK nói gì?

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK, các CTCK nhìn nhận, dự thảo có nhiều quy định không khả thi, trong đó, bất khả thi nhất là lượng hóa rủi ro.

Quá khó định lượng rủi ro

Sau nửa tháng, dự thảo Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, cảm nhận của các CTCK, với tư cách là những đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh bởi quy định này, cho thấy, dự thảo có nhiều quy định khó khả thi. Nhìn nhận này không xuất phát từ quyền lợi cục bộ của các CTCK, mà trên tinh thần góp ý xây dựng, để khi Quy chế được áp dụng có tính khả thi chứ không bị “chết” trên giấy.

Theo các CTCK, với quy định như dự thảo, thì ngay cả với các CTCK đang kiểm soát rủi ro tốt hàng đầu thị trường, việc lượng hóa các rủi ro như yêu cầu của dự thảo vẫn quá khó, không khả thi, huống gì nhiều CTCK chưa quan tâm, chưa thường xuyên thực hiện quản trị rủi ro (QTRR).

Phải lập bộ phận quản trị rủi ro, CTCK nói gì? ảnh 1

Theo các CTCK, cần có lộ trình để họ xây dựng được bộ phận QTRR hoạt động thực chất

Giám đốc pháp chế một CTCK đang niêm yết nhận định, quy định về QTRR tại CTCK lần đầu tiên được đưa ra, nhưng UBCK đã đặt ra yêu cầu quá cao so với khả năng đáp ứng của các CTCK trong thời gian ngắn. Điều này được thể hiện rõ nhất qua các quy định buộc CTCK phải định lượng được các loại rủi ro: thị trường, thanh toán, thanh khoản và hoạt động. Theo đó, dự thảo buộc hệ thống QTRR tại CTCK phải có khả năng đo lường được các rủi ro này, trên cơ sở đó xây dựng hạn mức xử lý rủi ro áp dụng cho các hoạt động kinh doanh, các bộ phận nghiệp vụ, cũng như những cá nhân tham gia vào các giao dịch chịu rủi ro. CTCK phải đảm bảo nguyên tắc không có hoạt động kinh doanh nào được thực hiện khi không có hạn mức rủi ro được xác định trước...

“Với quy định như dự thảo, CTCK chưa thể hình dung phải dùng phương pháp tính toán nào để có thể định lượng được rủi ro của việc cho vay margin, tự doanh, hay bảo lãnh phát hành…, để trên cơ sở đó, phân bổ 30 hay 50 tỷ đồng để xử lý khi rủi ro xảy ra…”, vị giám đốc trên băn khoăn, đồng thời cảnh báo, dự thảo đang ở trạng thái “đẹp” và lý tưởng đến mức không khả thi. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, dự thảo cần điều chỉnh theo hướng đảm bảo cân bằng hơn việc nhận diện rủi ro bằng phương pháp định tính và định lượng. Sau thời gian CTCK làm quen với Quy chế, UBCK sẽ tiến hành tổng kết thực tế, trên cơ sở đó mới bổ sung các quy định theo hướng gia tăng các biện pháp lượng hóa rủi ro.

 

Khó đáp ứng trong thời gian ngắn

UBCK dự định sẽ ban hành, thực hiện Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK vào năm 2013. Với số lượng công việc quá lớn mà các CTCK phải thỏa mãn theo quy định của dự thảo trong thời gian ngắn, thì theo các CTCK, rất khó đáp ứng. Nói cách khác, nếu thời gian áp dụng Quy chế quá gấp, dễ dẫn đến tình trạng thực thi theo kiểu hình thức, đối phó. Điều này khiến mục tiêu của UBCK khi ban hành Quy chế là cải thiện một bước rõ nét công tác QTRR của khối CTCK khó đạt được.

Lãnh đạo một CTCK trực thuộc ngân hàng phân tích, để thiết lập được Hệ thống QTRR theo 4 cấp gồm: HĐQT - Ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ - Tiểu ban QTRR - Bộ phận QTRR, đồng thời phải cụ thể hóa quy trình QTRR bằng hệ thống quy trình, chính sách cụ thể… như dự thảo, CTCK phải có thời gian chuẩn bị hàng năm. Hơn nữa, với chuẩn QTRR cao mà UBCK đưa ra trong dự thảo, các CTCK không thể “dùng tạm” những nhân sự hiện có để có thể đảm trách vị trí đứng đầu bộ phận QTRR. Lý do là bởi, bộ phận này đòi hỏi những người có chuyên môn sâu về QTRR, nhưng đồng thời phải thỏa mãn các yêu cầu đặc thù của hoạt động QTRR tại CTCK. Để tuân thủ nghiêm túc Quy chế, các CTCK buộc phải tính đến bài toán tuyển nhân sự mới. Điều này làm xuất hiện hai khó khăn lớn.

Thứ nhất, với vai trò đứng đầu bộ phận QTRR, mức lương cho vị trí này không thể “bèo bọt”, khiến CTCK phải chịu thêm sức ép tăng chi phí trong bối cảnh đang phải cắt giảm tối đa mọi chi phí để “thoát chết” trong tình cảnh TTCK khó khăn kéo dài như hiện nay.

Thứ hai, do các CTCK đồng thời có nhu cầu tuyển dụng nhân sự đứng đầu bộ phận QTRR, nên có nguy cơ khó tuyển dụng được sớm và đạt yêu cầu, để bắt tay vào triển khai các công việc như Quy chế đề ra.

Để khắc phục tình trạng trên, trong trường hợp UBCK muốn áp dụng Quy chế ngay trong năm 2013, đồng thời giảm thiểu tình trạng CTCK tuân thủ theo kiểu chiếu lệ, hình thức, theo các CTCK, cần đưa ra lộ trình thực hiện sao cho phù hợp. Bởi vậy, dự thảo có thể quy định, trong khoảng 4 - 5 tháng, CTCK phải lập Tiểu ban QTRR hay Bộ phận QTRR. Khi có được nhân sự QTRR chuyên nghiệp, lộ trình tiếp theo là dành khoảng 3 - 4 tháng cho CTCK xây dựng hoàn chỉnh quy trình, chính sách để vận hành Hệ thống QTRR… Có như vậy, mới giúp CTCK tuân thủ Quy chế một cách thực chất.

Theo kế hoạch, ngày 6/12 tới, UBCK sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường góp ý cho dự thảo Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK. Các CTCK hy vọng, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên thị trường tại hội thảo này, dự thảo Quy chế sẽ được điều chỉnh theo hướng khả thi hơn.

> CTCK phải lập bộ phận “cân đo” rủi ro