Phải khép tội hình sự cho gian lận bảo hiểm

Phải khép tội hình sự cho gian lận bảo hiểm

(ĐTCK)TAND TP. Hà Nội đang xử bản án phúc thẩm đòi bồi thường bảo hiểm, trong đó xác định rõ tai nạn không xảy ra, nhưng khách hàng đã khai man để trục lợi bảo hiểm. Liệu trường hợp này, khách hàng có bị xử lý không và có căn cứ pháp lý nào để xử lý trường hợp này cũng như gian lận bảo hiểm nói chung? ĐTCK có cuộc trao đổi với Luật sư Thái Văn Cách (Đoàn luật sư Hà Nội).  

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng trục lợi bảo hiểm, nhất trường hợp dựng hiện trường giả để đòi bồi thường?

Nhà bảo hiểm ở đâu cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng khách hàng khai báo không đúng sự thật hoặc khai báo quá mức tổn thất để được bồi thường nhiều hơn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng này đã đến mức báo động, đặc biệt trong một số nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới, cháy nổ…

Trong một hội thảo về phòng chống gian lận thương mại trong kinh doanh bảo hiểm tổ chức cách đây ít lâu, người ta ước tính chi phí chi trả do gian lận bảo hiểm ở Việt Nam lên tới 10% tổng chi phí, tuy nhiên cũng có những đánh giá của nước ngoài cho rằng, ở khu vực Đông Nam Á, chi phí này thực tế phải là 20%.

Trường hợp khách hàng khai báo tai nạn, nhưng sau đó giám định cho thấy hiện trường không đúng, thực tế tai nạn không xảy ra vào thời điểm, địa điểm đó không phải là hiếm.

Cá nhân tôi từng giải quyết nhiều vụ đòi bồi thường mà sau đó phải đến khi có kết luận giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) chỉ rõ hiện trường tai nạn không đúng, khách hàng mới chịu rút yêu cầu bồi thường.

Nhìn chung, khi có kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm hoặc là không đúng hiện trường, cơ bản là khách hàng rút yêu cầu. Đối với vụ việc mà TAND TP. Hà Nội đang thụ lý, đó là trường hợp khá đặc biệt khi khách hàng kiên quyết khởi kiện.

 

Nếu khách hàng có hành vi gian dối, liệu nhà bảo hiểm có cách nào, có căn cứ pháp lý nào để buộc khách hàng phải chịu trách nhiệm?

Hiện nay, tình trạng gian lận bảo hiểm lên tới mức báo động, nhưng nhà bảo hiểm rất khó mạnh tay xử lý. Vừa qua, Chính phủ có ban hành Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, Khoản 3, Điều 14 quy định, phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng đối với hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để xử phạt cá nhân, mà chủ yếu là áp dụng đối với trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra tại các công ty, nếu phát hiện thì xử phạt.

Bên cạnh đó, cho tới nay, Bộ luật Hình sự chưa có nhóm tội danh cho các tội phạm trên thị trường bảo hiểm. Với quy định hiện hành, nhà bảo hiểm rất khó để đề nghị xử lý hình sự với đối tượng có hành vi, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền bồi thường của nhà bảo hiểm.

Thứ nhất, với hành vi gian dối nhưng chưa thực hiện trót lọt thì không thể xử lý, bởi chưa có thiệt hại xảy ra, mới chỉ yếu tố gian dối mà chưa có yếu tố chiếm đoạt. Thứ hai, với hành vi thực hiện trót lọt, nhà bảo hiểm đã bồi thường thì lại e ngại trách nhiệm của chính cán bộ bảo hiểm. Bởi lẽ, sẽ có nhân viên, không loại trừ là lãnh đạo của công ty phải chịu trách nhiệm vì để hành vi phạm tội xảy ra.

Để ngăn chặn tình trạng này, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần đề nghị với Cục Giám sát và quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào Bộ luật Hình sự những tội danh trên thị trường bảo hiểm. Chúng ta thấy thực tiễn có nhiều tội danh đã được bổ sung cho phù hợp với tình hình tội phạm mới như tội danh trên TTCK, tội danh trong lĩnh vực công nghệ cao…

 

Thưa ông, những vụ việc gian lận bảo hiểm cũng để lại nhiều bài học về rủi ro khai thác, bởi lẽ nếu như đại lý thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình thì gian lận rất khó xảy ra?

Công ty bảo hiểm kinh doanh rủi ro, tất nhiên phải biết chấp nhận rủi ro,, nhưng không phải rủi ro nào cũng chấp nhận. Thế nên trước khi cấp đơn, phải đánh giá rủi ro, nhất là tài sản giá trị lớn. Việc này mang tính bắt buộc.

Trong vụ kiện của ông Đặng Công Hiền và Bảo hiểm Bảo Việt mà TAND TP. Hà Nội đang xử lý, tài sản là xe ô tô hình thành từ vốn vay Ngân hàng Quân đội và thông thường sẽ mua luôn bảo hiểm MIC, công ty bảo hiểm thuộc Ngân hàng Quân đội.

Điều này đã thành lệ và nhiều khi được quy định luôn trong hợp đồng tín dụng. Do đó, nếu khách hàng không mua bảo hiểm của MIC mà nhân viên khai thác chủ quan cho là xe mới mua và không kiểm tra thực tế xe trước khi cấp đơn là sai sót. Đáng lẽ người bán bảo hiểm cần phải nhìn xe, chụp ảnh, mô tả xe.

Tuy nhiên, cũng phải nói là trong bảo hiểm có khái niệm trung thực tuyệt đối, việc nhân viên bán hàng tin bạn hàng không hiếm xảy ra. Nó còn bởi trong kinh doanh bảo hiểm, có giám định xác định thiệt hại mang tính hậu kiểm để xem xét vào thời điểm xảy ra tổn thất, khách hàng đã mua bảo hiểm chưa.

Dù vậy, việc ngăn chặn gian lận bảo hiểm vẫn phải đến từ chính nội bộ DN bảo hiểm, với việc đầu tiên là tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ.

>> Bác đơn xin phúc thẩm nghi án hiện trường giả

>>Gian lận bảo hiểm tràn lan vì luật chưa nghiêm?

>>Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào?

>>Gian lận bảo hiểm: Kẽ hở đến từ nhà bảo hiểm