Trong tuần, cụ thể trước ngày 15/6, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải trình Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Không dễ để nói, mọi việc cũng phải đến lúc hoàn tất, nhưng lần này, văn bản thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải xe ô tô phải có những đổi mới, cải cách thực sự. Đây đã là phiên bản thứ chín của Dự thảo này.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất những nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải. Không chỉ vậy, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn).
Đặc biệt là nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Nghị định.
Chỉ cần có thêm một cách nghĩ khác, sẽ có thêm cơ sở mới để các đề xuất quản lý nhà nước gần với thực tiễn kinh doanh, nhất là những mô hình đổi mới, sáng tạo đang nảy nở.
Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh lại, đây phải là những phần việc, những câu hỏi đáng ra phải được bàn thảo ngay khi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP được đưa ra sửa đổi, song hành với hàng loạt điều kiện kinh doanh mà Bộ Giao thông - Vận tải đang muốn áp dụng với các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thậm chí, với tư duy cải cách để kích hoạt khu vực doanh nghiệp mà Chính phủ đang theo đuổi, thì câu hỏi có cách quản lý khác với cách quản lý bằng điều kiện kinh doanh, có cách nào khuyến khích doanh nghiệp sẵn sàng đổ vốn, đổ sức vào kinh doanh… sẽ phải đặt ra trước tiên.
Nhưng rất tiếc, cách tư duy này vẫn là đề xuất, mong muốn từ phía các doanh nghiệp gửi tới cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và cách Bộ Giao thông – Vận tải xây dựng văn bản thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP trong thời gian 3 năm, với 8 lần dự thảo mà vẫn chưa đi đến thống nhất, không phải là duy nhất.
Vào tuần trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT về ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là Thông tư mới được ban hành vào đầu năm nay, nhưng đã làm “xôn xao” dư luận, bởi quy định dẫn đến cách hiểu “lợn không được ăn cây chuối', 'thỏ không được ăn cà rốt'…
VCCI đã buộc phải nhắc lại lý do khiến Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT bị Chính phủ yêu cầu sửa đổi. Đó là xây dựng theo cơ chế “chọn - cho” (tức người dân và doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục), thay vì chọn - bỏ (tức cấm gì thì quy định rõ).
Vấn đề là phương pháp quản lý trên không phù hợp với Hiến pháp. Điều 33 của Hiến pháp 2013 có ghi “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Phương pháp quản lý trên còn dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước chỉ cần “quên” hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó là người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh loại thức ăn đó. Hơn thế, cách quản lý nêu trên sẽ cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, như khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới thì sẽ không được phép đưa vào kinh doanh…
Tốc độ bứt phá sẽ tốt hơn nếu các bộ, ngành dành đủ thời gian và tâm lực cho cải cách…