Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Phác họa ngân hàng tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng nếu để kiến trúc hệ thống nguyên khối cố định như hiện nay sẽ khó cạnh tranh. Một ngân hàng với hệ thống linh hoạt, dễ thích ứng và giảm thiểu rủi ro với một tương lai biến động dựa trên công nghệ số sẽ là mô hình ngân hàng của tương lai.

Ngân hàng số - Cuộc đua công nghệ

Chuyển đổi số hiện nay đã thu hút hầu hết tất cả các ngân hàng tham gia. Một thống kê của Vụ Thanh toán, NHNN cho thấy, năm 2020, có 94% ngân hàng Việt Nam thực hiện hoặc có kế hoạch chuyển đổi số. Hầu hết các ngân hàng đều đã có dịch vụ ngân hàng điện tử - E-banking (gồm các dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking), tập trung vào những tính năng chính như chuyển tiền, thanh toán và tra cứu số dư tài khoản…

Một số ngân hàng đã quan tâm và định hướng phát triển ngân hàng số để tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô và phạm vi thị trường hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và khả năng cạnh tranh.

Ngân hàng số cũng là nội dung được nêu rõ trong Quyết định 810 về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” ngày 11/05/2021 vừa qua của NHNN.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát của bản kế hoạch là phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Ngân hàng số đang là mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam nhưng vẫn gặp trở ngại để phát triển. Với những khoản đầu tư lớn vào công nghệ truyền thống, Các ngân hàng có phần mềm lõi (Core Banking) với cấu trúc thiếu linh hoạt, hoạt động nguyên khối nên việc thay đổi hệ thống khá phức tạp, tốn kém cả về thời gian và kinh phí để kết hợp với các công nghệ mới nhất.

Ngân hàng truyền thống được “xây dựng để trường tồn”, nhưng “người thắng cuộc” hôm nay sẽ là những ngân hàng đưa ra được những trải nghiệm khách hàng tốt nhất và nhanh nhất. Để làm được điều đó, ngân hàng cần phải có khả năng “soạn” được các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh.

Ngân hàng cần “xây dựng để thay đổi”, đáp ứng những nhu cầu liên tục phát triển của thị trường và khách hàng. Công nghệ số ngày nay cho phép ngân hàng thực hiện sự linh hoạt này, “Composable Banking” (Ngân hàng Kết hợp) là một cách tiếp cận để xây dựng nên một Ngân hàng số.

Từ năm 2016, “Người khổng lồ” Hà Lan - Ngân hàng ABN AMRO đã thấy được sự dịch chuyển trong thị trường với sự góp mặt của các Fintech và Bigtech với công nghệ tiên tiến. Điều đó đã thúc đẩy ngân hàng này thay đổi hệ thống và quy trình ngân hàng truyền thống của mình để tìm kiếm các cơ hội thị trường mới. Rõ ràng ABN AMRO không thể cạnh tranh với các đối thủ của mình chỉ dựa trên công nghệ và mô hình vận hành đang tồn tại. Ngân hàng đã quyết định áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt của “Composable Banking”, tận dụng các ưu điểm của công nghệ điện toán đám mây để cho ra mắt thương hiệu New10.

New10 là một dịch vụ tách biệt (spinoff) cho vay kỹ thuật số hoàn toàn trên nền tảng điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu các khoản vay từ 20 nghìn đến 1 triệu Euro cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách tiếp cận “Composable Banking” giúp New10 có thể duyệt các khoản vay trong 15 phút, và giải ngân ngay trong 2 ngày làm việc. Sáu tháng đầu, New10 đã mở được hơn 2.000 tài khoản, với hơn 100 khoản vay mới, trong đó trên 65% là các khách hàng mới.

Tại Việt Nam, Ngân hàng số TNEX (được bảo trợ bởi Ngân hàng TMCP Hàng Hải - MSB) ra đời cuối năm ngoái, nhằm cung cấp những dịch vụ tài chính một cách tối ưu nhất cho cá nhân và tiểu thương ở cả nông thôn và thành thị, các đối tượng này hầu như chưa sử dụng ngân hàng hoặc sử dụng chưa đầy đủ. TNEX cũng hướng đến thế hệ gen Z (thế hệ sinh từ 1997 đến 2010), ước tính đạt 15 triệu người vào năm 2025.

Sử dụng cách tiếp cận “Composable Banking”, TNEX đã tạo ra và cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chi phí thấp hơn các ngân hàng truyền thống tới gần 97%. Đồng thời, có thể linh hoạt, nhanh chóng xây dựng lên một hệ sinh thái chủ cửa hàng, song hành cùng với dịch vụ ngân hàng để phục vụ giới trẻ. Chỉ cần vài thao tác khách hàng trẻ tuổi có thể mở tài khoản, mua sắm, đặt đồ ăn, chơi game… ngay trong ứng dụng của một Ngân hàng số.

“Composable Banking” sử dụng cho New10 hay TNEX chính là một cách tiếp cận cho phép các bộ phận độc lập như phần mềm lõi (core engine), các hệ thống và các bộ phận kết nối (connectors) được phối hợp, sắp xếp lại với nhau theo bất cứ hình dạng nào, nhằm mục đích xây dựng nên một Ngân hàng số, hay một sản phẩm dịch vụ tài chính mà ngân hàng mong muốn.

Có thể mô tả, các giải pháp của ngân hàng truyền thống giống như một khối Rubik, có thể xoay đi xoay lại nhưng vẫn chỉ là một hình lập phương. Trong khi đó, “Composable Banking” như trò chơi xếp hình Lego, cho phép ngân hàng linh hoạt và sáng tạo xếp bất cứ hình nào mong muốn.

Composable Banking - Giải pháp Ngân hàng số tương lai

Kiến trúc Kết hợp - Lợi thế của Composable Banking
Kiến trúc Kết hợp - Lợi thế của Composable Banking

Nếu như cơ sở hạ tầng truyền thống mang lại cho ngân hàng sự bền vững và chắc chắn, nhưng không thể cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, thì phương pháp “Composable Banking” cho phép lắp ghép, phối hợp các thành phần theo những cách độc đáo trên giải pháp đám mây lập sẵn, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thấu hiểu khách hàng, mang lại sự khách biệt cho ngân hàng trên thị trường.

Sự linh hoạt của “Composable Banking” cũng giúp ngân hàng tránh sự phụ thuộc vào các nguyên khối cồng kềnh, giúp các ngân hàng rút ngắn thời gian tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới, chỉ trong vài ngày, vài tuần thay vì nhiều tháng hay cả năm như trước đây. Giải pháp tiên tiến này giải quyết triệt để những thách thức đang tồn tại của các ngân hàng hôm nay.

Một vấn đề mà ngân hàng nào cũng quan tâm đó là an ninh mạng. Tuy “Composable Banking” sinh ra “ở trên mây” nhưng không có nghĩa là không an toàn. Hoạt động trên nền tảng SaaS và được các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đảm bảo an ninh tốt nhất với việc quản lý định danh và truy cập, tích hợp cùng với dịch vụ thư mục, hoặc các nền tảng xác nhận người dùng khác, giúp ngân hàng kiểm soát và giảm thiểu các cuộc tấn công mạng.

Báo cáo “Cloud Based Core Banking: Is it Possible?” (“Công nghệ lõi ngân hàng dựa trên điện toán đám mây: Điều có thể?) của Deloitte năm 2019 cho biết, hầu hết các môi trường đám mây được thiết kế có độ bền gần như 100% và đáp ứng đến 99,99% nhu cầu lưu trữ dữ liệu. Đây là yếu tố để bảo vệ dữ liệu mà cơ sở hạ tầng công nghệ truyền thống khó có thể làm được.

Ngân hàng số mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và toàn bộ nền kinh tế trong thời đại mới. Còn tốc độ và linh hoạt lại là chìa khóa thành công cho mô hình ngân hàng số. Để đạt được điều này, việc hợp tác đôi bên cùng có lợi, đi tắt đón đầu, tận dụng sự phát triển công nghệ của các Fintech sẽ giúp các ngân hàng giải bài toán về chiến lược, công nghệ, nguồn lực, cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi số, tiến đến hoàn thiện một ngân hàng số - mô hình ngân hàng của tương lai.

Tin bài liên quan