“Bệ đỡ” là kinh tế 2017
Sự phục hồi của nền kinh tế, với tăng trưởng GDP quý III/2017 lên tới 7,46% - vượt mức kỳ vọng đặt ra, còn tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 6,41%, cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ chính là một điểm sáng nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua. Nhận định này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, diễn ra hôm qua (3/10).
Quan trọng hơn, với sự bứt phá của nền kinh tế trong quý III, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng đã trở nên khả thi hơn. Để cả năm đạt được con số này, theo tính toán, quý IV/2017, phải đạt mức tăng trưởng 7,31%.
“Quý III là quý quan trọng nhất quyết định khả năng đạt hay không đạt mục tiêu kế hoạch năm. Với kết quả tăng trưởng GDP trong quý III và tính chung 9 tháng như vậy, nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của năm 2017. Với đà tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và khoảng cách bứt phá khoảng 1 điểm % được duy trì, thì khả năng năm nay sẽ vượt mục tiêu 6,7%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại kỳ họp Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, nếu tăng trưởng GDP của quý IV bị chững lại, thì nguy cơ tăng trưởng không bền vững là rất cao, do đó cần có giải pháp điều hành căn cơ và thận trọng hơn, phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững cho giai đoạn sau.
Tuy nhiên, đó chỉ là “phương án dự phòng”. Bởi thực tế, sau khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng được công bố, rất nhiều nhà hoạch định chính sách lẫn các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là rất lớn.
Có lẽ, đó cũng là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo rằng, tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đặt ra cho năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Thậm chí, phân tích về con số tăng trưởng 6,7% của năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu ngành khai khoáng không giảm (tức là tăng trưởng 0%, chứ không phải là ước sẽ giảm 5,9% - PV) thì tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt tới 7,24%. Điều này ghi nhận sự tăng trưởng đột phá của các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo đã bù đắp được sự thiếu hụt do ngành khai khoáng giảm trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Và đó cũng là nền tảng, là bệ đỡ quan trọng để khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
6,5% là mức tăng trưởng hợp lý
Sẽ có những câu hỏi được đặt ra, vì sao năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, mà năm 2018, mục tiêu tăng trưởng lại chỉ được đặt ra ở mức 6,5%; và rằng, đó có phải là mức tăng trưởng hợp lý chưa?
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng 6,5% được đưa ra dựa trên những dự báo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam.
Dù nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới 2018 sẽ hồi phục, nhưng đó chỉ là sự hồi phục nhẹ và vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Kinh tế trong nước cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn nội tại của nền kinh tế, như mô hình kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; nợ xấu, nợ công… vẫn chưa được xử lý rốt ráo.
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng 6,5% được đưa ra dựa trên những dự báo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam.
Chưa kể, một điều cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đó là những động lực tăng trưởng dựa vào các yếu tố như khai thác dầu khí, than, hay sự đóng góp đáng kể của những doanh nghiệp sản xuất lớn như Samsung, Formosa và từ nguồn kiều hối… đều đã được tận dụng trong năm 2017 và khó có khả năng tăng bứt phá. Trong bối cảnh ấy, công nghiệp khai khoáng có thể tiếp tục giảm sản lượng; dư địa của các chính sách thúc tăng trưởng như tài khóa, tiền tệ cũng hạn hẹp…
“Nhưng điều quan trọng là, theo tôi, nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm tới ở mức 6,5%, để chúng ta có thời gian giải quyết các vấn đề căn cơ của nền kinh tế, như tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng…, hơn là chỉ chạy theo mục tiêu tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Có cùng quan điểm, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tuy những diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế là tích cực, chẳng hạn năm nay khả năng sẽ có tới 120.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tạo đà cho nền kinh tế trong năm 2018, song vẫn cần phải lường trước những rủi ro, bất ổn của nền kinh tế trong năm tới.
“6,5% là mức tăng trưởng hợp lý và có khả năng đạt được trong năm 2018, để từ đó tạo nền tảng tăng trưởng bền vững hơn cho giai đoạn sau, nhằm thực hiện tốt hơn Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020”, chuyên gia Cao Viết Sinh nhận định.