Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa

Pha xử lý… đi vào tù tội của Chủ tịch Tập đoàn Capella

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Nguyễn Cao Trí là người duy nhất không “dính” vào sai phạm Vạn Thịnh Phát - SCB, mà bị Trương Mỹ Lan tố ngược là chiếm đoạt tới 1.000 tỷ đồng. Bị cáo nói rằng, sai lầm của mình xuất phát từ lo lắng thái quá trong… nỗ lực giải quyết khủng hoảng sau khi bà Lan bị bắt.

Ba thương vụ mua bán ngàn tỷ… không chứng từ

Bị cáo Nguyễn Cao Trí là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang (Công ty Văn Lang), cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella.

Theo cáo trạng, tháng 12/2017, Nguyễn Cao Trí thỏa thuận chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty cổ phần Cao su công nghiệp Đồng Nai (Công ty Cao su Đồng Nai) cho Trương Mỹ Lan với giá 45 triệu USD. Trong đó, Nguyễn Cao Trí sở hữu 5.464.300 cổ phần, tương ứng 31,22% vốn điều lệ. Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Trí 3 lần, tổng số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng số tiền 476,871 tỷ đồng, tương đương thanh toán 31,22% vốn điều lệ. Do chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày phát hành lần đầu cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán, nên Nguyễn Cao Trí chỉ đạo các cá nhân đứng tên hộ ký Hợp đồng nhận ủy thác đầu tư với Hồ Quốc Minh (là người môi giới được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên) tổng số 5.464.300 cổ phần, tương ứng 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Đồng Nai. Sau đó, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí thống nhất chuyển số tiền 21,25 triệu USD đã thanh toán để mua 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Đồng Nai thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Phi vụ khác, Nguyễn Cao Trí thỏa thuận bán cho Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh - Lâm Đồng) với giá trị 3.000 tỷ đồng. Trương Mỹ Lan đã đặt cọc cho Trí số tiền 1 triệu USD và 127 tỷ đồng. Sau đó, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí thống nhất chuyển số tiền đặt cọc này sang thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Tiếp tục, khoảng giữa năm 2020, CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group do Nguyễn Cao Trí làm Chủ tịch HĐQT được UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh chấp thuận chủ trương cho triển khai nghiên cứu quy hoạch dự án tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Để tham gia đầu tư dự án này, Trương Mỹ Lan thỏa thuận thanh toán theo tiến độ phát sinh chi phí và 2 lần chuyển tiền cho Nguyễn Cao Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng số tiền 220,274 tỷ đồng. Sau đó, Trương Mỹ Lan không tiếp tục tham gia dự án và thống nhất với Trí chuyển số tiền 9,5 triệu USD để thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Lợi dụng Trương Mỹ Lan bị bắt để chiếm đoạt?

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí thông tin, Công ty cổ phần Tập đoàn Capella và 3 tổ chức thuộc Hệ thống Giáo dục Văn Lang là: Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương và Trường tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Mỹ đã có đơn gửi Hội đồng Xét xử và Viện Kiểm sát, cùng chữ ký của 2.242 cá nhân là đại diện của Ban Giám hiệu, Ban Điều hành, đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên, người lao động đến từ các đơn vị trực thuộc Hệ thống Giáo dục Văn Lang và Hệ thống Capella, xin giảm án, khoan hồng cho bị cáo Nguyễn Cao Trí.

Ba cuộc mua bán trên, do nhận nhiều khoản tiền từ Trương Mỹ Lan, nhưng không có giấy tờ biên nhận, nên tháng 1/2021, Nguyễn Cao Trí gặp Trương Mỹ Lan và thống nhất chốt các khoản Lan đã chuyển cho Trí, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.

Sau đó, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo soạn thảo, yêu cầu những người đứng tên cổ phần hộ ký Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Hồ Quốc Minh (được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên hộ), tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng ngày, Nguyễn Cao Trí ký Giấy chứng nhận cho Hồ Quốc Minh sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Tuy nhiên, sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt giam, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của Trương Mỹ Lan.

Sau khi bị bắt, Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí. Còn Nguyễn Cao Trí trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra thì không thừa nhận việc đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan và cho rằng, Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của Trí.

Nguyễn Cao Trí bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án 10-11 năm tù giam.

Bị cáo không có ý định chiếm đoạt tiền của Trương Mỹ Lan?

Bảo vệ cho Nguyễn Cao Trí, luật sư Trần Minh Hải lý luận rằng, xét về góc độ hậu quả trong vụ án, hậu quả liên quan đến Nguyễn Cao Trí chỉ giới hạn trong 2 cá nhân, cụ thể là bị cáo và Trương Mỹ Lan, không gây rủi ro cho hoạt động của SCB, không làm mất an toàn huy động vốn, không có ảnh hưởng gì đến an ninh tiền tệ quốc gia như các vấn đề xét xử chính trong vụ án này.

Mặt khác, theo luật sư Hải, cần phải xem xét lại động cơ và hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của Nguyễn Cao Trí. Dựa trên những dẫn chứng liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang giữa Nguyễn Cao Trí và Trương Mỹ Lan, đây thực chất là việc kết chuyển từ 3 giao dịch của bị cáo Lan để thanh toán việc thực hiện thỏa thuận nêu trên, gồm: thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Cao su Đồng Nai; thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh; thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Ba giao dịch trên được các bên thiết lập, thỏa thuận, triển khai, sau đó Trương Mỹ Lan không tiếp tục thì mới hoán đổi thành 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Vấn đề nữa, Lan chuyển cho Trí tổng cộng 1.000 tỷ đồng. Nhưng do có hiện tượng trùng lặp chứng từ giao dịch, vì ngay cả khi ký hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, thì các hợp đồng thỏa thuận 3 giao dịch trước đó vẫn chưa được thanh lý, nên Trí đứng trước nguy cơ phải thanh toán gấp đôi số tiền thực nhận từ Lan, nghĩa là 2.000 tỷ đồng, thay vì 1.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn đầu điều tra, chính Trương Mỹ Lan cũng nhầm lẫn đã chuyển cho Nguyễn Cao Trí 2.000 tỷ đồng.

Từ phân tích đó, luật sư Hải cho rằng, nguy cơ phải chịu trách nhiệm gấp đôi do lỗi các bên không rành mạch trong các giao dịch, nên mức độ hành vi của Nguyễn Cao Trí không nguy hiểm như cáo trạng thể hiện, không có ý định chiếm đoạt tiền của bị cáo Lan.

Mặt khác, so sánh hành vi phạm tội của Nguyễn Cao Trí với các bị cáo khác trong vụ án do Trương Mỹ Lan chủ mưu, thì hành vi của Trí gây thiệt hại gần như nhỏ nhất, nhưng đến nay đã khắc phục triệt để nhất. Bản thân Nguyễn Cao Trí cũng được bên bị hại là Trương Mỹ Lan xin giảm nhẹ một phần hình phạt.

Từ đó, luật sư Trần Minh Hải đề nghị Hội đồng Xét xử miễn hình phạt với Nguyễn Cao Trí.

Người thứ hai bào chữa cho Nguyễn Cao Trí là luật sư Đinh Quang Thuận cũng phân tích, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ của bị cáo 16 tỷ đồng và 3,3 triệu USD. Sau đó, gia đình bị cáo nộp thêm 660 tỷ đồng, nâng số tiền mặt đã khắc phục cho Trương Mỹ Lan lên hơn 757 tỷ đồng, còn phải thanh toán hơn 242 tỷ đồng.

Với 6 bất động sản đang kê biên, gia đình Nguyễn Cao Trí cố gắng thu xếp đủ tiền mặt trong thời gian sớm nhất, đảm bảo khắc phục hoàn toàn thiệt hại cho Trương Mỹ Lan. Nếu không kịp thì xin Hội đồng Xét xử cho gia đình bị cáo tối đa 3 tháng từ khi bản án có hiệu lực để hoàn thành nghĩa vụ dân sự.

Sai lầm vì… quá lo lắng khi xử lý khủng hoảng?

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho rằng, sai lầm của mình xuất phát từ lo lắng thái quá trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt.

Trình bày thêm về các giao dịch với bà Lan, bị cáo Trí nói: “Khi Trương Mỹ Lan giao dịch với bị cáo nhưng không đứng tên, nên lúc đó bị cáo nghĩ Lan có ý dự phòng những khoản tiền đó nếu xảy ra rủi ro. Khi hay tin chị Lan bị bắt, bị cáo đã lo lắng thái quá vì sợ người ta nghĩ hệ thống của bị cáo liên quan đến chị Lan, nên phạm sai lầm khi xử lý khủng hoảng. Chính hệ thống của bị cáo trong giai đoạn đó đang bị nợ hơn 1.500 tỷ đồng. Bị cáo thừa nhận mình phạm sai lầm. Tất cả bị cáo xin nhận hết. Bị cáo bối rối và lo lắng thái quá”.

Nguyễn Cao Trí còn so sánh, so với một số bị cáo bị truy tố vì gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng được hưởng án treo, thì mức án dành cho bị cáo là rất cao.

Mặt khác, bản thân là một doanh nhân có hành trình gần 20 năm làm ăn không giả dối, qua đó xây dựng được hệ thống giáo dục với nhiều tổ chức, công ty, đóng góp nhiều cho xã hội. Hiện bị cáo vẫn là chủ tịch, giám đốc của hệ thống gồm nhiều công ty với hơn 6.000 lao động, nên mong có một bản án hợp tình, hợp lý để sớm về điều hành công ty.

Bị cáo Trí cũng khẳng định, sẽ tiếp tục cùng gia đình khắc phục hết 1.000 tỷ đồng trong thời gian tòa xét xử.

Tin bài liên quan