Phá sản quá dễ sẽ tạo cớ để con nợ chây ỳ?

Phá sản quá dễ sẽ tạo cớ để con nợ chây ỳ?

(ĐTCK) Theo chương trình, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 này, nhưng hiện còn nhiều nội dung chưa nhận được sự nhất trí cao.

Điển hình nhất là nội dung nhận diện DN lâm vào tình trạng phá sản. Tại Luật Phá sản năm 2005, điều khoản quy định DN lâm vào tình trạng phá sản là DN có nợ đến hạn không thanh toán đã bị phàn nàn nhiều bởi chung chung, không có tiêu chí rõ ràng. Điều này dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi giải quyết một vụ phá sản.

Dự luật lần này đưa ra quy định về tình trạng mất khả năng thanh toán của DN: là tình trạng DN không thanh toán được khoản nợ đến hạn. Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, quy định này hợp lý hơn, nó báo động về tài chính mất cân đối, về khả năng thanh khoản của DN, là tiền đề dẫn đến DN phá sản.

Mặc dù vậy, theo đại biểu Lý, mất khả năng thanh toán chỉ có tính chất nhất thời, tại một thời điểm nào đó. Trong khi đó, trên thực tế, vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các DN, kéo dài thời hạn thanh toán đang có tính phổ biến. Do đó, việc xác định tiêu chí DN mất khả năng thanh toán, theo yêu cầu của các chủ nợ, trong thời gian nhất định để cho phép tiến hành mở thủ tục phá sản có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động kinh tế nói chung.

“Nó vừa làm lành mạnh hóa kinh tế, vừa đảm bảo trật tự xã hội, tránh việc lợi dụng khó khăn nhất thời của DN để yêu cầu mở phá sản DN, hạ uy tín lẫn nhau”, đại biểu Đặng Công Lý nói.

Dự luật quy định, sau 3 tháng kể từ khi có yêu cầu mà DN không trả nợ đến hạn, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN. Một số đại biểu cho rằng, cần nâng thời hạn này lên 6 tháng, để DN có điều kiện khắc phục khó khăn nhất thời, có các giao dịch với các đối tác để thực nghĩa vụ thanh toán.

Về quy định tình trạng mất khả năng thanh toán của DN nêu trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, ưu điểm là làm cho khả năng mở thủ tục phá sản đối với một DN sẽ sớm hơn. Tức là chuông cảnh báo sớm, để có giải pháp phục hồi hoặc phá sản kịp thời, ngăn chặn được hiện tượng phá sản dây chuyền.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), căn cứ ra quyết định mở thủ tục phá sản trong Dự thảo luật là DN không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn là chưa phù hợp. Việc không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán nợ thể hiện ý thức, thái độ chủ quan không chịu thực hiện nghĩa vụ trả nợ của DN. Điều này khác hẳn với trường hợp DN rơi vào tình trạng không thể thanh toán được.

Xét về ý thức tuân thủ pháp luật, cả về những tác động, hậu quả của 2 việc này thì không thể đưa ra một cách ứng xử chung của Nhà nước, của pháp luật. Với trường hợp DN không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn thì không nên giải quyết phá sản, mà nên hướng dẫn về quyền khởi kiện dân sự.

Nếu vì lý do trì hoãn hoặc không thanh toán mà mở thủ tục phá sản, thì vô tình giúp cho DN trì hoãn trả nợ một cách hợp pháp, bởi thời gian giải quyết phá sản kéo dài qua nhiều thủ tục, trình tự.

Theo đại biểu Hương, quy định như vậy sẽ làm tăng các vụ việc phá sản và nhiều DN không rơi vào tình trạng phá sản nhưng vẫn có một thời gian bị hạn chế một số quyền trong sản xuất - kinh doanh cho tới khi được đình chỉ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN, lãng phí thời gian và công sức của cơ quan tố tụng.

Còn đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, quy định như vậy là chưa đầy đủ vì có trường hợp DN mất cân đối dòng tiền do nợ phải thu chưa thu được. Mất khả năng thanh toán là khi các khoản nợ phải thu và bán toàn bộ tài sản vẫn không đảm bảo trách nhiệm chi trả các khoản nợ. Đề nghị Ban soạn thảo quy định đầy đủ hơn nội dung này.

Về quản tài viên, đây là chế độ mới so với Luật hiện hành, bởi vậy, vấn đề đặt ra là quản tài viên thực thi quyền và nghĩa vụ của mình như thế nào cho khả thi. Một số đại biểu đã tập trung góp ý hoàn thiện cơ chế này như: đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên, cơ quan đánh giá các đối tượng này, vấn đề quản lý tài sản…

Đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị giao việc quản lý tài sản cho một DN hoặc cơ quan thi hành án hơn là giao cho một cá nhân. Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) nhận xét, Dự luật trao cho quản tài viên nhiều quyền năng, nhưng còn thiếu thiết chế kiểm soát.

Các đại biểu còn cho ý kiến về một số vấn đề khác như thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị phá sản, kiểm soát quá trình giải quyết phá sản của Viện kiểm sát, người có nghĩa vụ nộp đơn…

Dự kiến, Luật Phá sản sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 19/6 tới.

Tin bài liên quan