Do khung pháp lý chưa hoàn thiện, khó có thể tiến hành phá sản nhanh các tổ chức tín dụng yếu kém

Do khung pháp lý chưa hoàn thiện, khó có thể tiến hành phá sản nhanh các tổ chức tín dụng yếu kém

Phá sản ngân hàng là giải pháp không loại trừ

(ĐTCK) Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, điều kiện để cho phá sản ngân hàng đã hội đủ từ lâu, đặc biệt trong bối cảnh dự trữ được cải thiện, nguồn tiền tại Bảo hiểm Tiền gửi không hề nhỏ...

Thị trường tiền tệ được trấn an với tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và lãi suất sẽ ổn định trong năm 2017. Tuy nhiên, thực tế, mặt bằng lãi suất trong hai tháng đầu năm nay đã nhích lên nhẹ so với cuối năm 2016. 

Thanh khoản vẫn thiếu cục bộ tại một vài ngân hàng yếu kém, cũng như lạm phát và tỷ giá có xu hướng đi lên là những tác nhân đẩy lãi suất tăng… Trong bối cảnh này, câu chuyện cho phá sản ngân hàng một lần nữa lại được chú ý đến.

Người gửi tiền “bình chân như vại”

Chị H.L ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán: “Theo tìm hiểu của chị, lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 6 tháng 6,9%/năm khi lĩnh lãi cuối kỳ tại Ngân hàng B hiện là “đỉnh” nhất. Đó là chưa kể đến việc ngân hàng này tặng quà cho khách hàng với giá trị tùy thuộc vào món tiền gửi và kỳ hạn. Nói chung là rất “ổn”.

Khi được hỏi chị có lo ngại ngân hàng huy động lãi suất cao thì kèm theo đó là những “nghi vấn” như: thanh khoản có vấn đề hoặc Ngân hàng đang dồn tiền huy động cho một dự án “sân sau” của tập đoàn nào đó…, khiến rủi ro với tiền gửi cao hơn, chị nói: “Yên tâm! Món tiền tiết kiệm của chị chỉ là “muỗi”, bởi có những người thậm chí gửi vài tỷ đồng với thời hạn dài. Thậm chí, nhân viên giao dịch còn cho xem danh sách khách hàng ký nhận quà tặng, trong đó có trường hợp gửi tiết kiệm trên 20 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng”.

Một câu chuyện nữa được chị H.L đề cập đến đó là việc nhân viên ngân hàng đã trấn an chị bằng cam kết: “Chính phủ không để một ngân hàng nào phá sản”.

Câu chuyện người dân khi đi gửi tiết kiệm chỉ chọn ngân hàng có lãi suất cao nhất, không mấy bận tâm về mức độ hoạt động ổn định của nhà băng không phải là chuyện lạ. Thậm chí, nhân viên ngân hàng còn hướng dẫn người thân sang ngân hàng bạn gửi tiền để hưởng lãi suất huy động cao hơn ngân hàng mình, với “niềm tin” chính sách của Chính phủ là không để nhà băng nào phá sản.

Một nhân viên ngân hàng dẫn chứng, năm 2015, với thực trạng hoạt động yếu kém của 3 ngân hàng thương mại cổ phần: Xây dựng, Đại Dương, Dầu khí toàn cầu, nhằm xử lý dứt điểm các yếu kém của 3 ngân hàng, NHNN đã quyết định thực hiện biện pháp mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng này với giá 0 đồng và chỉ định các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank) tham gia quản trị, điều hành và thực hiện phương án cơ cấu lại, thay vì cho các nhà băng này phá sản.

“Mục tiêu cơ bản của biện pháp này được chính cơ quan quản lý tuyên bố: nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu nguy cơ rủi ro lây lan, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng”, nhân viên ngân hàng trên nói.

Vướng mắc của cơ quan quản lý

Thực tế, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp NHNN thừa nhận những bất cập xung quanh vấn đề tái cấu trúc, thậm chí cho phá sản ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, NHNN không thể làm gì hơn bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, nhất là các văn bản pháp lý và cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn thiếu, tồn tại nhiều bất cập và chậm được hoàn thiện, bổ sung kịp thời. Tính cưỡng chế, hiệu lực thực thi pháp luật chưa cao.

Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức tín dụng.

“Hiện tại còn thiếu các quy định cần thiết, cơ chế đặc thù, đặc biệt là hành lang pháp lý về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, quy định về quyền hạn của NHNN trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng. Chưa kể, khung pháp lý về phá sản doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng chậm được hoàn thiện, do đó, chưa thể tiến hành phá sản nhanh các tổ chức tín dụng yếu kém, không có khả năng phục hồi hoạt động”, vị lãnh đạo NHNN nói.

Đó là chưa kể đến hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế, sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, chặt chẽ trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, thậm chí trong nhiều vấn đề còn quan điểm chưa thống nhất.

Trong bối cảnh này, đầu năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tuyên bố, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt cần có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. NHNN sẽ phối hợp để xây dựng luật, tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu. Trong đó, vấn đề xử lý các ngân hàng trong diện tái cơ cấu chưa có quy định của luật sẽ được luật hóa để có hành lang pháp lý rõ ràng, có công cụ để hệ thống ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu.

Thừa điều kiện cho phá sản ngân hàng

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, điều kiện để cho phá sản ngân hàng đã hội đủ từ lâu, đặc biệt trong bối cảnh dự trữ được cải thiện, nguồn tiền tại Bảo hiểm Tiền gửi không hề nhỏ...

Trong các cuộc trao đổi trước đây, liên quan đến việc cho phá sản ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng thị trường chưa có kinh nghiệm nên nếu hành động vội vã dễ dẫn tới tình trạng người dân hoảng loạn, sợ hãi. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy, nền kinh tế thị trường đã ăn sâu vào trong mọi hoạt động, các thành phần kinh tế đã quen với việc hoạt động kinh doanh được - thua, phát triển - phá sản là chuyện bình thường.

“Gần 20 năm trước đây, chúng ta về bản chất cũng đã cho phá sản Ngân hàng Việt Hoa, châu Á - Thái Bình Dương, Nam Đô… Khi đó, ban đầu thị trường có sự lo lắng, hoang mang nhưng về cơ bản mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa sau đó”, luật sư Đức nói và cho biết thêm, cần phải nhanh chóng cho tiến hành phá sản ngân hàng yếu kém thực sự và không lo ngại việc này sẽ làm đổ vỡ hệ thống.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, phá sản là một hiện tượng bình thường, không phải là “cái chết” của một doanh nghiệp, mà thực tế có thể giúp doanh nghiệp hồi sinh với diện mạo mới, ông chủ mới.

Không riêng các chuyên gia kinh tế, về phía cơ quan quản lý, theo một lãnh đạo cao cấp NHNN, tại Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, “phương án cho phá sản ngân hàng là giải pháp không loại trừ”.

Tin bài liên quan