Phá rào cản tín dụng

Phá rào cản tín dụng

Tuy lãi suất liên tục giảm mạnh nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận được vốn. Đâu là rào cản tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng?

 Phá rào cản tín dụng ảnh 1

Để giải quyết nợ xấu, cần nhất là các ngân hàng sử dụng các năng lực tài chính tự thân. Ảnh: Hồng Thúy

 

Dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 7-2012 chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2011, chứng tỏ đầu ra nhỏ hẹp của các ngân hàng (NH). Nhiều NH muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không ít doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu vay tiền, dù lãi suất cho vay trong 3 tháng gần đây đã giảm từ 17%-18% xuống còn 10%-15% năm.

 

 

Lãi suất không là “tội đồ”

 

Số liệu của NH Nhà nước cho thấy đến ngày 2-8, dư nợ cho vay bằng VND đối với các khoản vay có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỉ trọng 3,4%; mức lãi suất từ 10%-13%/năm chiếm tỉ trọng 18,5%; mức lãi suất trên 13% -15%/năm chiếm tỉ trọng 49,1%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỉ trọng 29,1%, giảm khoảng 60% so với tỉ trọng trước ngày 15-7 (thời điểm NH Nhà nước kêu gọi các NH thương mại giảm lãi suất cho vay cũ về 15%/năm). Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng dự báo lạm phát của năm 2010 chỉ khoảng 6%-7%. Khi đó, lãi suất huy động có thể giảm còn 8%/năm, tạo điều kiện để lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10%-12%/năm.

 

Theo ông Võ Văn Châu, cố vấn ban điều hành NH Đại Tín, nếu lãi suất huy động vốn xuống còn 8%/năm, lãi suất cho vay cao hơn lãi suất đầu vào 2%-4% là hợp lý. Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều DN rất dè dặt vay vốn NH vì cho rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ thiếu hiệu quả.

 

Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng lãi suất thấp không phải là yếu tố quyết định mà cốt lõi của việc DN không tiếp cận vốn NH là do sức mua của nền kinh tế suy giảm nên các DN hết sức thận trọng. NH cũng không thể cho vay tiền khi hàng tồn kho DN ngày càng tăng. Theo thống kê của Eximbank với khách hàng của mình, trong chi phí của DN chỉ có 24% là lãi vay, phần còn lại là chi phí của hàng tồn kho. Điều này chứng tỏ việc tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm mới là vấn đề quyết định cho tín dụng NH đưa ra cho nền kinh tế.

 

 

Nên xử lý nhanh nợ xấu

 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng do Việt Nam tập trung quá nhiều vào việc giảm cầu để chống lạm phát nên hệ quả là hàng tồn kho tăng mạnh. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành các chính sách kích cầu để phá được tảng băng hàng hóa, vật tư tồn đọng…, như vậy thì nền kinh tế mới hấp thu được vốn từ NH. Mặt khác, nợ xấu đang ảnh hưởng đến việc “bơm” vốn của NH. Do đó, các NH phải sử dụng các năng lực tài chính tự thân để xử lý nợ xấu.

Để xử lý nợ xấu, thông thường các NH sẽ phát mãi tài sản bảo đảm mà DN đã thế chấp. Thế nhưng, do phải tuân thủ đúng quy định pháp luật nên việc phát mãi tài sản tiêu tốn rất nhiều thời gian dẫn đến việc giải quyết nợ xấu thường kéo dài, có thể làm cho tốc độ phát triển kinh tế chậm lại. Vì thế, có ý kiến đề xuất trước mắt, Nhà nước cho phép các NH thương mại sử dụng nguồn dự phòng rủi ro của từng khoản vay và nguồn dự phòng chung 0,75% để xóa nợ xấu. Đây là số tiền đang nằm bất động tại các NH bởi khi cho vay 100 đồng, NH phải trích lập dự phòng 0,75 đồng. Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu cần có sự tham gia của một định chế thuộc Nhà nước để nợ xấu được giải quyết nhanh hơn.

 

Muốn “đẩy khó” cho Nhà nước

 

Lãnh đạo nhiều NH cho biết có rất nhiều cách thức giải quyết nợ xấu. Trước hết, NH phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu sẽ giảm xuống. Cụ thể, nợ xấu của NH nào thì NH đó phải sử dụng năng lực tài chính để xóa nợ, còn những khoản nợ nào được Nhà nước hay Bộ Tài chính bảo lãnh thì các NH thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh đó… Đây không chỉ là thông lệ quốc tế về giải quyết nợ xấu mà còn là thực tiễn tại Việt Nam . Hiện nay, không ít NH muốn chuyển giao việc xử lý nợ xấu cho Nhà nước bởi nếu NH tự thân giải quyết sẽ phải trích lập thêm dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận giảm sút, ảnh hưởng đến thương hiệu.