Phá độc quyền nên vì lợi ích của nhà đầu tư

Phá độc quyền nên vì lợi ích của nhà đầu tư

(ĐTCK-online)Việc Sở GDCK TP. HCM thay đổi ngân hàng quản lý tiền đặt cọc cho các đợt IPO từ BIDV sang Sacombank đang thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. Từ hơn hai năm nay, việc đặt cọc mua đấu giá cổ phần thông qua BIDV diễn ra tốt đẹp song đến thời điểm này, thị trường mới nhận ra rằng, đặc quyền của "ông lớn" không hề nhỏ, trong khi nhà đầu tư không được hưởng lợi từ số tiền tạm gửi của họ.

Sự thay đổi từ một ngân hàng đang hoạt động tốt sang một ngân hàng khác có thể tạo ra những xáo trộn, nhưng đã đến lúc cần bỏ thế độc quyền trong câu chuyện thanh toán chứng khoán và nhìn nhận về quyền lợi nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Khi một DN nào đó đưa cổ phiếu ra đấu giá công khai trên các TTGD, quy trình lâu nay là nhà đầu tư phải nộp tiền đặt cọc (10% giá trị số cổ phiếu đặt mua tính theo giá khởi điểm) về tài khoản của đại lý đấu giá là các công ty chứng khoán trước ít nhất 5 ngày. Sau đó, đại lý chuyển toàn bộ tiền đặt cọc về tài khoản của TTGD mở tại ngân hàng chỉ định thanh toán. Khi tiền đặt cọc đã nộp đủ, ngân hàng sẽ thông báo để cuộc đấu giá có thể bắt đầu và thông thường vài ngày sau khi có kết quả đấu giá, nhà đầu tư không trúng thầu được nhận lại tiền cọc, không hưởng lãi suất. Nếu nhìn các đợt đấu giá cổ phần của một số DN lớn gần đây có thể thấy, khoản tiền cọc không phải nhỏ. Đơn cử như trường hợp của Bảo Việt, với lượng đăng ký mua xấp xỉ 390 triệu cổ phần, giá khởi điểm 30.500 đồng/cổ phần, khoản tiền đặt cọc lên tới 1.000 tỷ đồng, ngày 24/5 là thời hạn muộn nhất nhà đầu tư phải nộp tiền đặt cọc nhưng đến ngày 4-8/6 mới là thời hạn hoàn lại cho nhà đầu tư không trúng giá. Hay đợt đấu giá 128 triệu cổ phần của Đạm Phú Mỹ, số tiền đặt cọc lên tới hơn 600 tỷ đồng.  600 tỷ hay 1.000 tỷ đồng được lưu giữ tại ngân hàng trong tài khoản hàng chục ngày là cả một khoản lợi ích đối với "ông chủ" rất biết sinh lời vốn này.

Đổi ngân hàng quản lý tiền đặt cọc sang Sacombank, BIDV phản đối rằng, như vậy sẽ tạo ra sự phức tạp. Do BIDV là ngân hàng chỉ định thanh toán chứng khoán, các công ty có thể mở tài khoản mới tại Sacombank, nhưng sau đó việc thanh toán vẫn phải chuyển về tài khoản thanh toán bù trừ tại BIDV nên thanh toán giữa hai ngân hàng là thanh toán ngoài hệ thống và sẽ phải qua Ngân hàng Nhà nước, cách làm này có thể kéo dài thời gian chuyển tiền thêm 1-2 ngày. Tuy nhiên, khoản lợi không nhỏ từ việc quản lý số tiền trên được nhận định là một lý do khiến BIDV khó có thể nhường lại cho Sacombank, nhất là tới đây khi các đợt đấu giá cổ phần của các ngân hàng quốc doanh, đại gia viễn thông, các ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức với dự đoán thu hút rất đông nhà đầu tư tham gia.

Để các ngân hàng không còn lý do tranh giành nhau nguồn lợi quản lý tiền đặt cọc và để nguồn lợi đó được phân phối một cách hợp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần cắt bỏ thế độc quyền của BIDV, song cũng cần tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi ngân hàng có điều kiện tham gia. Sở Giao dịch TP. HCM có thể công khai tiêu chuẩn chọn ngân hàng và tổ chức đấu thầu rộng rãi, trên cơ sở lấy quyền lợi của nhà đầu tư làm trọng. Lâu nay, nhà đầu tư không được hưởng lãi suất từ khoản tiền đặt cọc có khi lên tới hàng tỷ đồng, nay có thể lấy lãi suất cho khoản tiền đặt cọc trả cho nhà đầu tư là một tiêu chí để chọn lựa. Trong câu chuyện với ĐTCK, bản thân Giám đốc Sở GDCK TP. HCM Trần Đắc Sinh cho hay, Sở chưa từng nghĩ tới vấn đề này, nhưng tới đây có lẽ sẽ phải cân nhắc. Nếu làm theo hướng này, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên thị trường.