Sức sống mới của Pha Đin
Pha nghĩa là trời, Đin nghĩa là đất, Pha Đin trong tiếng Thái nghĩa là nơi gặp nhau của đất và trời. Nằm chơi vơi trên độ cao 1.650 m so với mực nước biển, đèo Pha Đin - nơi trời đất giao hòa ấy, có những người dân tộc H’Mong vẫn đang cần mẫn chăm bón cho các sườn đồi phủ đầy cà phê. Hương của trời, vị của đất được kết tinh trong từng hạt cà phê Arabica tạo nên vị ngon đậm đà và mùi hương quyến rũ chẳng kém gì Arabica của Brazil.
63 năm về trước, con đèo huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong màu xanh hòa bình hôm nay, Pha Đin kiêu hãnh là một trong “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” với địa hình hiểm trở và cảnh đẹp say đắm lòng người.
Tôi đặt chân tới Pha Đin khi cái nắng đầu mùa Hè đang khuất dần. Mới 3 giờ chiều mà sương núi đã phủ kín những lối mòn. Núi rừng phả hơi mát lạnh và trong lành. Nhìn từ xa, cung đèo như sợi thừng buộc nối những quả núi với nhau lơ lửng giữa mây trời lồng lộng. Cái ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên xuống của đường đèo đẹp như thể chỉ có ở trong tranh.
Lên tới lưng chừng, có thể nhìn thấy những áng mây bồng bềnh, trắng xóa ôm lấy Pha Đin tạo cảm giác như chốn bồng lai tiên cảnh. Thảm cây rừng bảng lảng màn sương, thi thoảng điểm chấm đỏ tím của hoa sim, hoa ban, hoa rừng.
Từ đây nhìn xuống, có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn đang nằm yên bình dưới thung lũng Mường Quài. Bản làng nhìn từ cao trên cao như một ốc đảo nổi lên giữa ruộng lúa xanh mênh mông. Mấy chục nóc nhà san sát nhau, chồng thấp chồng cao như một ngọn núi nhà. Những mái nhà lợp lá vàng rơm lẫn với những mái ngói cũ mốc đen sừng sững. Cuộc sống nơi đây bình dị đến lạ kỳ, lững thững trôi và mang một sự bình yên quá đỗi.
Nhưng khi lên đến đỉnh đèo thì không còn nhìn thấy bản làng đâu nữa. Chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Cái lạnh vùng cao quẩn vào chân làm tôi rét run.
Tôi đứng đó và hình dung ra những ngày này của 63 năm về trước các anh kéo pháo qua đây.
“Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi...”
Những tiếng hò chấn động cả núi rừng và có lẽ mùa Xuân năm đó, mới chỉ có hoa ban đã thắp sáng những con đường cho đoàn quân lên Điện Biên.
Nhưng hôm nay, hầu như cả cung đèo Pha Đin đều có sức sống hiển hiện chứ không còn hoang vắng như thuở xưa. Chiến trường xưa đã thay áo xanh, trổ đầy hoa, đẩy lùi tàn khốc ra xa hàng vạn dặm ký ức. Màu xanh của ruộng nương, của ấm no đã trải khắp từng ngôi nhà, ngõ bản người Mông nơi đỉnh đèo Pha Đin bốn mùa mây phủ. Đặc biệt là khi bộ 3 loài cây cà phê - táo mèo - sa nhân được chú trọng phát triển.
Mùa hoa cà phê tháng Ba
Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật, lại một mùa hoa cà phê nữa nở trắng bồng bềnh trong gió trong sương. Pha Đin khi ấy khoác lên mình màu áo mới dịu dàng. Dưới bầu trời trong xanh, màu hoa trắng của loài cây kinh tế ở miền sơn cước nổi lên như tấm thảm trắng trải dài bao phủ khắp các triền núi.
Từng chùm hoa trắng muốt đậu trên cành, sáng rực cả một vùng trời tạo nên những hình ảnh huyền ảo như tuyết rơi ở xứ ôn đới xa xôi. Chờ nắng gió, chờ bàn tay cần mẫn của người chăm sóc để đơn hoa kết trái cho một mùa màng bội thu vào tháng 11.
Ngay cả những người có dịp ở gần mùa hoa cà phê thì vẻ đẹp mỗi lần hoa nở vẫn khiến họ ngỡ ngàng. Mới đêm qua thôi, cả rẫy cà phê còn xanh ngắt màu lá. Những búp hoa xinh xắn đang còn ẩn mình. Vậy mà sáng hôm sau, nụ đã chuyển mình thức tỉnh và bung ra những cánh hoa tinh khôi chào ngày mới.
Hoa cà phê dù đẹp nhưng lại tàn rất nhanh và nở rộ chỉ trong 7-10 ngày. Bởi vậy, không phải du khách nào ghé thăm Pha Đin cũng có thể gặp đúng mùa hoa cà phê và được chìm đắm trong vẻ dung dị, mộc mạc và rất trong lành của loài hoa này.
Cà phê hoa trắng nhưng giọt cà phê đen, hương cà phê thơm ngọt ngào mà vị đắng. Mỗi mùa hoa nở là một mùa những đàn ong đua nhau tìm đến hút mật. Mật ong lấy từ hoa cà phê khác hẳn với những loài hoa khác vì giọt mật đặc sánh và màu mật cũng vàng đậm đà như màu hổ phách.
Mùa hoa cà phê không chỉ đẹp, mà còn là dấu hiệu của một mùa màng bội thu đang chờ người nông dân vào tháng 11. Năm nào hoa cà phê nở, năm đó Pha Đin đều được mùa. Được biết, 7-8 năm nay, cà phê là cây giảm nghèo được nhiều hộ nông dân đầu tư chăm chút.
Tại huyện Tuần Giáo, 5/7 bản đã trồng giống cà phê Arabica trên diện tích 115 ha, bởi đây là cây trồng thích hợp với thời tiết và địa hình đèo Pha Đin. Và không phụ sự tin tưởng ấy, có những năm cà phê được giá đã mang lại nhiều lợi nhuận và niềm vui cho người dân trên địa bàn.
Nhờ những mùa cà phê như thế, mà cuộc sống của nhiều hộ dân ở Điện Biên và Sơn La đã được nâng lên. Nhiều hộ thoát nghèo, ổn định và no ấm.
Trân trọng những hạt cà phê từ tay người nông dân, những nhà buôn cẩn thận trong từng khâu đóng hàng, rang xay cà phê để tạo ra những tách cà phê ở đỉnh cao của hương vị. Tin rằng, đưa những tách cà phê ngon đến cho khách hàng cũng là cách đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn cho những người nông dân trồng cà phê ở đỉnh đèo Pha Đin.
Chúng tôi trở về trong một cơn mưa nhỏ. Cả con đèo bỗng trắng xóa trong phút giây. Xa xa, đỉnh đèo phủ đầy cà phê xanh nhô lên trầm mực trong mưa gợi chút ảm đạm khó tả. Cái đẹp như một thứ tôn giáo rất lạ. Nó không giáo huấn, không ép buộc, nó thuyết phục người ta bằng những bản thể đẹp đẽ rất nhỏ, như màu hoa cà phê trắng ngút ngàn trên những đỉnh đồi 1.650 m ở Pha Đin.
Tháng 3, giữa mùa hoa ấy, thấy mình “say” cả một mùa hoa trắng lối đi về. Tạm biệt Pha Đin và những mùa hoa.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com