Phá bỏ tư duy cục bộ trong triển khai chương trình, dự án có vai trò vùng

0:00 / 0:00
0:00
Đó là một trong 5 nội dung mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý cần tập trung, lưu ý để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW đạt kết quả tích cực

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 96/NQ-CP, trong đó đề ra 21 chỉ tiêu, 17 đề án, nhiệm vụ và 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030.

Đến nay, qua gần 2 năm triển khai đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án, gồm (1) Phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Phê duyệt quy hoạch 14/14 địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng; (4) Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của Vùng; (5) Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao tài liệu Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc cho các địa phương trong Vùng. (Ảnh: Đức Trung)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao tài liệu Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc cho các địa phương trong Vùng. (Ảnh: Đức Trung)

Đối với 12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển Vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước… đang được các Bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác quy hoạch, thể chế điều phối Vùng, triển khai các dự án quan trọng của Vùng đã được thực hiện tích cực; chuyển đổi mô hình kinh tế bước đầu đạt được kết quả; các nhiệm vụ về xây dựng các đề án, chính sách phát triển Vùng đang từng bước triển khai, nhưng còn chưa đạt so với tiến độ đề ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, phát triển nguồn nhân lực là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, phát triển.

Một số chỉ tiêu nổi bật có thể kể đến như tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại và bình quân cả nước; đặc biệt là Bắc Giang, cao nhất cả nước với mức tăng là 13,5%, một số địa phương có mức tăng khá như Tuyên Quang (7,46%), Phú Thọ (7,45%);

Quy mô GRDP đạt 896.000 tỷ đồng; Cơ cấu GRDP của Vùng chuyển biến khá tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 78%.

Năm 2023 đã thu hút 143 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD; toàn vùng có 23 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 65%, cao hơn bình quân cả nước (54%).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Đức Trung)

Tập trung triển khai 5 nội dung quan trọng

Khẳng định bản Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương quan tâm tập trung một số nội dung quan trọng để triển khai hiệu quả Quy hoạch.

Thứ nhất, cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; phá bỏ tư duy cục bộ, trước hết là trong việc triển khai thực hiện chương trình dự án có vai trò vùng.

Thứ ba, Bộ trưởng lưu ý, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ tư là tập trung nguồn lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.

Cuối cùng, cần tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại tự do xuyên biên giới (hiện đang được nghiên cứu thí điểm), tăng cường liên kết hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các hành lang và vành đai kinh tế và các khu vực động lực phát triển.

Tin bài liên quan