Phá băng tín dụng 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Việc chậm xử lý các tồn tại của một số dự án BOT giao thông khiến các ngân hàng thương mại rụt rè tham gia tài trợ vốn tín dụng cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Phá băng tín dụng 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam

Những dự án tốt

Sự cầu thị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là điều dễ nhận thấy tại buổi làm việc giữa bộ này với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại lớn để đánh giá việc huy động vốn tín dụng triển khai đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vừa diễn ra đầu tuần này.

Trên thực tế, với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT không phải là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng, nhưng sự kết nối giữa các chủ thể chính tham gia đầu tư là nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng lại đang là yếu tố quyết định sự thành bại của các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, đây có thể được coi là một cuộc roadshow không chính thức do Bộ GTVT tổ chức để chủ động giới thiệu tiềm năng đầu tư đối với các tổ chức tín dụng.

“Ngoài việc cung cấp thông tin chính thức về công tác triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi muốn được trực tiếp lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lớn trong nước để có thể khơi thông nguồn vốn tín dụng cho công trình trọng điểm quốc gia này”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, mong muốn của Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là các ngân hàng tiếp tục tham gia tài trợ vốn tín dụng cho các nhà đầu tư được lựa chọn tại 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được triển khai theo hình thức PPP là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Được biết, từ ngày 16 đến 20/7/2020, các ban quản lý dự án đã thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển. Tổng số có 14/16 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (dự án ít nhất có 2 nhà đầu tư, nhiều nhất 3 nhà đầu tư). Dự kiến, việc mở thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng cho các nhà đầu tư trong trường hợp trúng thầu nhiều nhất, chiếm hơn 90% các cam kết gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc huy động vốn tín dụng cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, bởi các công trình này có rất nhiều điểm mới, khác biệt nhằm hạn chế tối đa những rủi ro như đã từng xảy ra tại các dự án BOT giao thông trước đây.

“Trong số 39.530 tỷ đồng tổng vốn đầu tư của 5 dự án, nguồn vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 20.136 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 3.879 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng với khoảng 15.515 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi dự án chỉ cần huy động tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó là điều khác biệt so với các dự án BOT giao thông trước đây khi chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay ngân hàng”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho biết, theo tính toán, thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16 - 18 năm, không có dự án nào vượt quá 20 năm.

Điểm thuận lợi nữa là công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đã được triển khai sớm bằng nguồn vốn nhà nước. Đến nay, khối lượng giải phóng mặt bằng của các dự án đạt bình quân 92%, dự kiến trong quý IV/2020, tất cả dự án đều được bàn giao mặt bằng sạch, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thi công, đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu.

Cũng tại 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, do được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín với mức phí tính toán theo chiều dài sử dụng dịch vụ, nên đảm bảo công bằng tuyệt đối.

Lãnh đạo Vụ PPP khẳng định, khác với các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn trước đây, mức thu phí sử dụng dịch vụ tại 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Cơ chế này tiếp tục được cụ thể hóa hồ sơ mời thầu 5 dự án, nên nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn theo đúng khung giá đã cam kết…

“Các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xây dựng với các chỉ số đầu vào đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, tách bạch so với các dự án BOT trước đây; đồng thời, cơ bản khắc phục được những tồn tại, vướng mắc tại các dự án BOT trước”, ông Thành nói.

Nỗi e ngại mang tên BOT

Mặc dù 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã áp dụng những cơ chế PPP tốt nhất, tổng nhu cầu vốn tín dụng huy động không lớn (chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng), nhưng việc khơi thông vốn tín dụng vẫn đang là một ẩn số lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài..., nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Thực tế, trong hơn 2 năm qua, đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Đó là chưa kể, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Theo ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, ngân hàng này đang cấp vốn tín dụng cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang gặp khó khăn khi nhiều dự án phải cơ cấu lại nợ, thậm chí phải chuyển nợ xấu.

“Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ việc các dự án BOT không được tăng phí đúng lộ trình đã ký kết trong hợp đồng và doanh thu thu phí không đảm bảo theo phương án tài chính”, ông Long nói.

Ông Long cho biết, BIDV đang băn khoăn khi xem xét tài trợ các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, dù đã cấp khá nhiều thư cam kết cấp tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án. “Điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ GTVT cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng giống như BIDV, việc xử lý dứt điểm các tồn tại tại các dự án BOT là một trong những điều kiện để Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cân nhắc tài trợ vốn cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng xã hội hóa khác.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật; các ngân hàng cần xem xét, tự quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Liên quan việc xử lý tồn tại của một số dự án BOT đang gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT cho biết, với trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thời gian vừa qua, bộ này đã nỗ lực phối hợp với các nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT.

“Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức phí tăng theo lộ trình trong hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư; không triển khai tổ chức thu phí tại 6 trạm bất cập, có nguy cơ phát sinh vấn đề an ninh trật tự, bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT theo cam kết trong hợp đồng. Dự kiến, cuối năm nay, vướng mắc tại các dự án BOT giao thông đó sẽ được tháo gỡ”, ông Nguyễn Nhật thông tin.

Ông Nguyễn Nhật khẳng định, Bộ GTVT luôn cầu thị, trách nhiệm khi xử lý tồn tại tại các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các ngân hàng tham gia 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.

Nợ xấu BOT gia tăng

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30/6/2020, có 56/116 dự án BOT đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính tại hợp đồng dự án, với dư nợ 71.970 tỷ đồng; có 30/116 dự án có khả năng phải cơ cấu nợ chuyển nhóm nợ xấu với dư nợ 28.166 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, hiện đã chiếm 5,7% dư nợ.

Dư nợ BOT, BT giao thông tập trung chủ yếu tại VietinBank và BIDV (chiếm khoảng 81% dư nợ của toàn ngành), vì vậy, các dự án gặp khó khăn, vướng mắc cũng chủ yếu tập trung ở 2 ngân hàng này.

Tại VietinBank có 15/33 dự án BOT có doanh thu phí không đạt dự kiến, dư nợ khoảng 38.051 tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án có khả năng chuyển nợ.

Tại BIDV, có 17/38 dự án có khả năng chuyển nợ xấu với dư nợ 16.385 tỷ đồng. Đáng lưu ý là, Dự án tuyến tránh Thanh Hóa (dư nợ 551 tỷ đồng) và tuyến tránh Cai Lậy (dư nợ 1.022 tỷ đồng) đã dừng thu phí hơn 2 năm và đến nay vẫn chưa xác định chính xác thời gian thu phí trở lại...

Tin bài liên quan