Đầu tư tư nhân vẫn thiếu tích cực
Sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội các tháng đầu năm 2023 khiến giới chuyên gia thực sự lo ngại. PGS. Phạm Thế Anh (Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân) phải dùng từ “tăng rất chậm“ khi chia sẻ con số khoảng 2,1%.
Thực ra, sự giảm sút trong đầu tư không chỉ xuất hiện ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có sự cải thiện đáng kể những tháng gần đây nhờ những nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ, nhưng vẫn còn dưới xa mức kế hoạch, chỉ đạt khoảng 49,4% tính đến hết tháng 8/2023 do vướng thủ tục pháp lý, thiếu động lực, hạn chế nguồn cung nguyên vật liệu.
Đầu tư nước ngoài, ngoại trừ năm 2022 hồi phục từ nền thấp, hầu như không có sự thay đổi trong mấy năm qua do sự khó khăn chung của kinh tế thế giới. Tính đến cuối tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 8,2%, trong khi tổng vốn thực hiện tăng nhẹ 1,3%.
Tuy nhiên, lý do cần lưu tâm hơn cả ở khu vực này, theo ông Thế Anh, là niềm tin vào triển vọng kinh tế giảm sút.
Cũng phải nhắc lại, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang phải trông vào đầu tư nhà nước. Trong các tháng cuối năm, nhiều động thái cho thấy, tốc độ đầu tư của khu vực này cũng như khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng chuyển dịch tích cực hơn. Nhưng không nhiều dấu hiệu tương tự trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Ngay tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, với vị trí là đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phải đặt thẳng tình trạng “doanh nghiệp không muốn mở rộng đầu tư, không dám đầu tư mới”. Đáng nói là, nguyên nhân được Chủ tịch VCCI xác định là thiếu niềm tin. “Đây là ý kiến từ doanh nghiệp”, ông Công cho biết.
Doanh nghiệp không muốn đứng ngoài
Là một trong số ít doanh nghiệp tham gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương khẳng định “đang rất cố gắng”, sau khi lắng nghe những nhận định từ giới chuyên gia kinh tế. “Chúng tôi đang rất nỗ lực tìm kiếm các cách làm mới, các đề xuất mới, để có thể đi nhanh hơn, vực lên nhanh hơn sau đại dịch và cũng rất muốn lớn lên. Nhưng nếu các cơ chế, chính sách vẫn được triển khai bình thường, sẽ rất khó cho doanh nghiệp”, bà Tiên chia sẻ.
Trong các đề xuất của Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, ngoài các kiến nghị về khơi thông dòng vốn, kích cầu du lịch, thì cơ chế đột phá rõ ràng, minh bạch được nhắc đến, để đảm bảo cho các kế hoạch đầu tư, ý tưởng đột phá của doanh nghiệp có cơ sở thực thi. Đề xuất cơ chế để xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM được bà nhắc lại như một ví dụ.
“Tôi trăn trở khi các chuyên gia đánh giá doanh nghiệp Việt Nam chịu đựng thì tốt mà không lớn được. Không phải doanh nghiệp không muốn lớn, nhưng nếu lớn bằng cách uống thuốc tăng lực thì không thể bền, lớn bền thì cần cơ chế đột phá”, bà Tiên thẳng thắn.
Vẫn là đòi hỏi thực thi
Đang có thực tế là rất nhiều đề nghị đột phá, đặc thù được gửi tới Chính phủ, từ cả địa phương lẫn doanh nghiệp. Một mặt, yêu cầu đánh giá, rà soát lại hệ thống thể chế một cách chi tiết được đặt ra, bởi sự không phù hợp đang lộ rõ trên diện rộng, cần phải thay đổi. Song mặt khác, trong ngắn hạn, theo TS. Vũ Tiến Lộc, chuyên gia kinh tế, việc thí điểm các chính sách mới có thể đặt ra vào lúc này.
“Đang có tâm lý sợ sai, ở cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, nên việc xử lý vướng mắc ở nhiều dự án bị chậm. Đây là lúc có thể áp dụng “sandbox” (cơ chế thử nghiệm) trong giải quyết, thúc đẩy tiến độ các dự án, theo hướng đơn giản ngay các thủ tục, trình tự đã được thống nhất là không cần thiết. Kết quả của sandbox không chỉ giải tỏa tâm lý cho người thực thi, phá băng đầu tư, mà còn là cơ hội để đánh giá tác động các phương án sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách”, ông Lộc phân tích.
Đề nghị thử nghiệm chính sách cũng được đề xuất áp dụng để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân bám theo xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, duy trì tăng tưởng xuất khẩu vì đây là tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng ở những nước bạn hàng của Việt Nam. Nhưng điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải…
“Trong khó khăn luôn luôn ló ra những cơ hội, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên, Nhà nước phải tạo môi trường để doanh nghiệp thực hiện được”, ông Cung nói. Cải cách môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản; giúp doanh nghiệp giảm chi phí… và thay đổi chế độ khuyến khích đầu tư là đề xuất cần phải làm ngay của TS. Cung. “Khu vực này cần tìm lại sự năng động”, ông Cung nhấn mạnh.