PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch).
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) để mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3 đạt hiệu quả cao, bên cạnh phương án mở cửa an toàn, khoa học, cần có các kịch bản quản trị rủi ro song hành, nhằm không để xảy ra tình trạng mở rồi lại đóng. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất mở cửa toàn bộ ngành du lịch của thị trường quốc tế và nội địa từ 15/3. Ông đánh giá thị trường khách quốc tế thời điểm này như thế nào và những thị trường khách nào Việt Nam nên hướng đến trong thời gian đầu mở cửa?
Việc Chính phủ cho phép mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, nhất là thị trường khách quốc tế cả inbound và outbound từ 15/3 là thời khắc được ngành du lịch nói chung, các doanh nghiệp du lịch nói riêng chờ đợi từ rất lâu. Bởi vì chúng ta đã trải qua hơn 2 năm bị tác động rất mạnh bởi đại dịch Covid-19.
Đây là cơ hội để phục hồi lại ngành du lịch, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
Với du khách quốc tế, chúng ta vẫn nên tập trung vào các thị trường chiến lược, trọng tâm đã xác định như: Tây Âu, Bắc Mỹ , Đông Bắc Á….
Tuy nhiên, sau hai năm Covid-19, thị trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Đơn cử, Trung Quốc từng là thị trường rất lớn của thế giới, nhưng với chính sách zero Covid-19 của quốc gia này, sẽ gần như không có du khách đến từ Trung Quốc trong ngắn hạn. Bởi vậy, chúng ta sẽ phải chủ động khai thác sớm những thị trường khác cởi mở hơn về chính sách du lịch và đi lại.
Thị trường du lịch quốc tế đã bắt đầu sôi động khoảng vài tháng trở lại đây, cùng với việc Việt Nam đã thực hiện việc thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021. Vậy theo ông, là nước đi sau, Việt Nam cần học hỏi những bài học gì từ các nước đã mở cửa đón khách quốc tế?
Việt Nam cần quan sát và học hỏi cách làm của các quốc gia mở cửa sớm hơn như mô hình sandbox của Thái Lan, để tạo được môi trường an toàn cho cả du khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa.
Việc mở cửa du lịch nội địa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua là quyết định rất mạnh dạn và thu được những kết quả đáng mừng, nhưng một vấn đề chúng ta cần rút kinh nghiệm là giữa các địa phương chưa có chính sách đồng bộ, nhất quán. Do đó, các địa phương cần tuân thủ theo những chính sách của Chính phủ, bỏ những yêu cầu, quy định gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp du lịch, cho du khách.
Việc mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 là rất cần thiết, vậy làm thế nào để quyết định này đảm bảo an toàn, hiệu quả, thưa ông?
Thời điểm 15/3 không phải quá muộn nhưng cũng không sớm để mở lại toàn bộ hoạt động du lịch. Với thời gian 1 tháng, tôi cho rằng, sẽ rất nhiều chuyện chúng ta phải làm để thực sự ở tâm thế là điểm đến hấp dẫn mà trước Covid-19 chúng ta đã thể hiện được với khu vực và thế giới.
Bên cạnh chuẩn bị phương án, kịch bản kỹ lưỡng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng cần nghiên cứu, điều tra, khảo sát để đưa ra những phân tích, đánh giá, nhận định về sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu của du khách quốc tế. Bởi, sau 2 năm Covid-19, xu hướng du lịch của thế giới đã khác xưa rất nhiều. Từ đó, khuyến nghị các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ theo mong muốn, nhu cầu của du khách.
Chúng ta mở cửa, điều kiện cũng thông thoáng, nhưng vẫn sản phẩm như cũ, thậm chí có thể sản phẩm không tốt như ngày xưa vì hầu hết nhân lực giỏi nghề đã dịch chuyển sang lĩnh vực khác… thì làm sao xứng với sự kỳ vọng của du khách, làm sao có thể khiến du khách hài lòng được. Như thế, du khách nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta có thể thu được ít tiền, nhưng sự thất vọng của họ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam.
Bởi vậy, chúng ta cần nghiên cứu tâm lý, nhu cầu, thị hiếu của du khách và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ thật tốt để du khách hài lòng, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn và quảng bá miễn phí cho du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, trước đây chúng tôi đã nói đến câu chuyện phải quản trị rủi ro trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, dường như chúng ta quá say sưa vào những thắng lợi mà không quan tâm nhiều đến câu chuyện đó. Tôi nghĩ rằng, sau dịch bệnh này, chúng ta sẽ phải nghĩ một cách nghiêm túc đến câu chuyện quản trị rủi ro và câu chuyện đó cũng sẽ áp dụng luôn trong phương án mở cửa.
Đơn cử về vấn đề y tế, việc gỡ bỏ các rào cản với khách du lịch quốc tế là cần thiết nhưng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định. Bởi vậy, chúng ta cần những phương án để quản trị rủi ro. Đồng thời có kịch bản ứng phó với những vấn đề khó lường.
Ví dụ như việc lên phương án khi khách nhiễm Covid-19, bồi thường cho khách và doanh nghiệp khi đến các tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng dịch, hay nếu lỡ du khách đến mang theo biến chủng Covid mới thì sao?,…. Nếu giải quyết được những vấn đề này, chúng ta mới có thể quay trở lại “đường đua” du lịch thế giới.
Đặc biệt, vấn đề an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Kèm với sự an toàn đó là quản trị rủi ro có thể xảy ra thì xử lý như thế nào để làm sao khách không bị thiệt hại và chúng ta cũng hạn chế thấp nhất thiệt hại của doanh nghiệp. Phải quy định với nhau rất rõ ràng chứ không chỉ nói về mặt nguyên tắc được.
Có phương án an toàn, có sản phẩm, dịch vụ tốt, hợp thời, ngành kinh tế xanh sẽ phát triển bền vững và không để xảy ra tình trạng mở rồi lại đóng. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Để hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam, chúng ta cần làm gì, thưa ông?
Để việc mở cửa du lịch đạt hiệu quả trong bối cảnh mới hiện tại, chúng ta phải tạo điều kiện tối đa cho khách đến Việt Nam và phải thật sự mở cửa theo đúng tinh thần mở cửa. Đây không phải câu chuyện mới nhưng phù hợp với tình cảnh hiện tại.
Thứ nhất, tôi muốn nhấn mạnh vào câu chuyện muôn thuở visa. Trước đây chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng có lẽ đây là lúc cần nói lại với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét vấn đề này sao cho phù hợp hơn.
Hiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý đề xuất xem xét việc khôi phục lại cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước thời điểm có dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc miễn cấp visa cho 24 nước và giới hạn thời gian đến Việt Nam trong 15 ngày vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế của khách du lịch. Do đó, cần nghiên cứu và mở rộng cho những nhóm khách tiềm năng có nhu cầu ở lâu hơn từ vài tuần cho đến hàng tháng.
Thứ hai, sản phẩm đang thay đổi, không phải là thay đổi hoàn toàn mà có thể điều chỉnh hoặc có sản phẩm mới nhưng dựa vào những kết quả điều tra thị trường. Hiện nay, chúng ta rất thiếu những thông tin này và trong thời gian qua, nếu như chúng ta đã có sự điều tra đối với một số thị trường điểm thì cần thông báo với các doanh nghiệp du lịch để họ xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu của du khách.
Thứ ba, Chính phủ, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành liên quan cần có những hỗ trợ thiết thực với các doanh nghiệp du lịch vì họ đã kiệt sức. Ngày trước, doanh nghiệp cùng quảng bá, xúc tiến du lịch với Nhà nước, nhưng bây giờ doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, thì Bộ VHTTDL cần kiến nghị Chính phủ có nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá. Nếu chúng ta kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào xúc tiến, quảng bá thì rất tội cho họ.
Với định hướng mở lại hoàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3, ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của ngành kinh tế xanh Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, ngành du lịch sẽ phục hồi là điều đương nhiên. Bởi vì Chính phủ quyết tâm, doanh nghiệp mong chờ hàng ngày hàng giờ, người dân ủng hộ.
Câu chuyện bây giờ là chúng ta phục hồi như thế nào, nhanh hay chậm và chúng ta có phải là điểm đến hấp dẫn du khách trên đường đua trong khu vực hay không? Chúng ta phải làm sao chiếm được thị phần tốt nhất, lượng khách chất lượng nhất để mang về hiệu quả cao nhất.
Khi nói đến câu chuyện phục hồi, chúng ta phải có những tiêu chí. Ví dụ phục hồi về lượng khách, phục hồi của doanh nghiệp…
Về lượng khách, khách nội địa có thể yên tâm hơn nhưng với khách quốc tế sẽ lâu hơn, có ý kiến mốc năm 2026, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi như năm 2019. Tôi nghĩ, chúng ta khá lạc quan về điều này.