PGS-TS. Trần Hoàng Ngân: Xử lý nợ xấu phải có giải pháp căn cơ

Trong báo cáo trước Quốc hội (QH) tại phiên khai mạc kỳ họp ngày 21-3, Chính phủ bên cạnh việc khẳng định "tỷ lệ nợ xấu đã giảm dần" (cuối năm 2015 là 2,55%) cũng đã cho biết: Việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn và chưa thực chất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Trước đó, trong một cuộc họp do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức hồi trung tuần tháng 3-2016, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ nợ xấu tăng trở lại...

Bên lề kỳ họp chiều 28-3, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu quốc hội Đoàn TP. HCM - Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng một lần nữa lại được đặt ra với không ít lo ngại. Là chuyên gia về tài chính - ngân hàng, quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu so với cách đây 4 năm thì nợ xấu là vấn đề rất đáng lo ngại, có khả năng làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng và kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng… Vì lẽ đó, QH đã ban hành nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Nghị quyết số 86/2014/QH13 được thông qua cuối tháng 11-2013 - PV). Trong đó, có việc tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Qua gần 3 năm, quá trình xử lý nợ xấu có kết quả nhất định. Chúng ta đã cắt được "khối u" nợ xấu, lưu thông tiền tệ và tín dụng tăng cao trở lại.

Về quá trình xử lý nợ xấu, chúng ta phải đặt trong bối cảnh đó, trong điều kiện đó và xử lý như đã làm là hợp lý, đồng thời là phương án tốt nhất.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng việc xử lý thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chỉ là "gom" nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang VAMC?
Như tôi đã nói, chúng ta phải đặt trong bối ảnh đó, với nguồn lực đó thì việc xử lý nợ xấu qua VAMC là phương án tốt nhất. Nhưng về lâu dài thì còn nhiều việc phải làm! Vấn đề là hiện nay chúng ta tiếp tục phải xử lý cái "khối u" đó đang do VAMC quản lý, tránh tình trạng là khi gặp gió, bão, "khối u" đó rớt xuống làm ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Vậy đâu là giải pháp?
Tôi cho rằng chúng ta phải có giải pháp căn cơ để xử lý. Đó là các biện pháp để nền kinh tế phục hồi với tăng trưởng mạnh hơn. Đặc biệt, thị trường bất động sản phải được "ấm" hơn, nhưng tránh để xảy ra "bong bóng" bất động sản hay nói cách khác là "ấm" nhưng không "nóng" và đó là một nguyên nhân quan trọng góp phần giải quyết nợ xấu.
Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng thương mại… Tôi cho rằng đó là những giải pháp để xử lý nợ xấu một cách trọn vẹn.
Tin bài liên quan