PGS-TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế phải bay lên bằng tất cả sức lực

Để doanh nghiệp tư nhân tham chiến, định hình chân dung nền kinh tế Việt Nam một cách sòng phẳng, minh bạch, thì nền kinh tế sẽ bay lên bằng tất cả sức lực. Đó là điều mà PGS-TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
PGS-TS. Trần Đình Thiên: “Hai năm nay, khu vực tư nhân tốt lên rõ rệt”.

PGS-TS. Trần Đình Thiên: “Hai năm nay, khu vực tư nhân tốt lên rõ rệt”.

Hãy để doanh nghiệp tư nhân tham chiến

PGS-TS. Trần Đình Thiên vẫn thích ngồi ở căn phòng ở tầng 12 ở Viện Kinh tế Việt Nam, nơi có cửa sổ cao và rộng, hướng ra những tòa nhà cao tầng mới xây dọc theo đường Liễu Giai - một trong những tuyến đường đẹp nhất Thủ đô, hướng ra phía Hồ Tây. Căn phòng đó trước kia treo biển Viện trưởng Trần Đình Thiên, giờ là Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi chưa bao giờ suy giảm niềm tin rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ làm được những điều lớn lao nhất. Chỉ cần giải phóng mọi rào cản cho họ”, ông Thiên nói.

Theo ông, bức tranh doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện tại như thế nào?

Tôi đang nhìn thấy những tập đoàn tư nhân Việt Nam với khẩu hiệu Go Global, tiến ra toàn cầu, chứ không chỉ trong nước.

Tôi đang thấy bóng dáng của doanh nghiệp tư nhân trong những nét vẽ lớn của nền kinh tế. Đến Quảng Ninh, đến những vị trí đẹp nhất, khách sạn đẹp nhất, công trình lớn nhất, tôi thấy tên doanh nghiệp tư nhân, từ Tuần Châu, Mường Thanh, Sun Group, Vingroup...

Đà Nẵng, Nha Trang cũng vậy. Các địa phương này có điểm chung trong chiến lược thu hút đầu tư, đó là chọn “đại bàng”, định hình chuẩn mực, lập chân dung kinh tế, như Nha Trang có Vinpearl, Đà Nẵng có Bà Nà Hill, Quảng Ninh có Vân Đồn... Diện mạo đô thị du lịch xanh được vẽ một cách rõ nét.

Có thể nói sớm là diện mạo tương lai của đô thị công nghiệp công nghệ cao Hải Phòng hay Quảng Nam đang được định hình bởi các dự án công nghiệp hiện đại của Trường Hải, VinFast.

Hay tới đây, chân dung đô thị hội nhập của Đồng Nai và vùng phụ cận có thể được vẽ bởi các doanh nghiệp hàng không của Việt Nam. Nếu Vietjet, Bamboo Airways nối sân bay Long Thành với London, Bắc Âu, sẽ tạo nên chuẩn mực, đẳng cấp trong thu hút đầu tư của khu vực, khác với nếu khai thác các tour 0 đồng...

Tôi cũng đang hình dung đến diện mạo của kinh tế khởi nghiệp sáng tạo đang có nhiều tia sáng.

Tất nhiên, người quyết định lựa chọn diện mạo nào, chọn nhà đầu tư nào, chọn chuẩn mực nào chính là nhà nước, chính quyền địa phương..., nhưng chúng ta phải nghĩ đến doanh nghiệp lớn ở vai trò giải quyết các vấn đề lớn của phát triển, đặt họ vào đúng vị trí, vai trò, chứ không chỉ là nộp ngân sách, tạo việc làm...

Hãy để doanh nghiệp tư nhân tham chiến, định hình chân dung nền kinh tế Việt Nam một cách sòng phẳng, minh bạch.

Tại sao lại là doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

20 năm trước, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam định hướng đến năm 2010 cũng được phê duyệt năm 2001...

Nhưng các chiến lược đều không thành công cho đến khi có Vingroup, Sun Group, Thaco, Hòa Phát và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác... xuất hiện. Họ không làm theo nhiệm vụ được giao, nhưng họ nhìn ra cơ hội thị trường và quan trọng là chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận rủi ro, thậm chí điều tiếng.

Khi Sun Group đầu tư sân bay Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Ninh bừng nở. Để sân bay Vân Đồn hoạt động được, họ phải đầu tư đường sá, để đưa khách đến sân bay, nhưng đầu tư Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn mất 25.000 tỷ đồng, tốn gấp hơn 3 lần sân bay, chưa biết bao giờ hoàn vốn.

Trong công nghiệp ô tô cũng vậy, khi Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương đổ tiền vào, bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu điều tiếng về thời kỳ tích lũy vốn, chưa kể những rủi ro trong đầu tư.

Nhưng, phải thừa nhận, các tập đoàn tư nhân lớn đã tạo nên những nền tảng lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. Thậm chí, các doanh nghiệp còn khẳng định được sự phân vân lâu nay, là doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được những công nghệ cao nhất, hiện đại nhất hay không, có thể bứt phá không.

Đặc biệt, sự đi lên của các doanh nghiệp tư nhân lớn tạo ra mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây chính là bóng dáng của lực lượng doanh nghiệp, điều mà chúng ta chưa có.

Định hình cách Việt Nam thay đổi trong thế giới biến đổi

Trong khi ông Thiên đang nghiên cứu các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, tìm kiếm cơ sở cho cái mà ông gọi là dấu hiệu ban đầu của lực lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, thì ngoài thị trường, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup rút lui khỏi bán lẻ, đổ tiền vào công nghiệp ô tô và sẽ xuất khẩu ô tô sang Mỹ trong 2 năm nữa; Thaco hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu ô tô bằng lô xe bus đầu tiên sang Philippines... Các khoản đầu tư ra nước ngoài của khu vực tư nhân cũng đang mang lại nhiều cảm hứng, động lực mới cho nền kinh tế.

Giới đầu tư đang nhìn Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn, nên đứng ở góc độ thị trường, cơ hội để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khẳng định mình rất lớn, thưa ông?

Điều này là chắc chắn. Một Việt Nam đang cải cách để hội nhập, một Việt Nam đang là thành viên CPTPP, EVFTA chắc chắn là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Độ hấp dẫn đang tăng lên với các nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc và ngoài Trung Quốc khi thương chiến Mỹ - Trung diễn biến phức tạp.

Điều tôi muốn chia sẻ là chúng ta đang cần doanh nghiệp FDI tốt để đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi, chứ không cần doanh nghiệp FDI nhỏ thay thế doanh nghiệp Việt.

Nhưng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn thường mất một vài năm cho các quyết định chuyển hướng. Chính khoảng thời gian này là lúc để Việt Nam chuẩn bị nhân lực, hạ tầng, thể chế để có nền tảng tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới.

Bởi, ngay cả khi Samsung đang ở đây, nhưng nếu doanh nghiệp Việt không tốt hơn, không đủ điều kiện đáp ứng để tham gia chuỗi thì sẽ rủi ro cho chính các doanh nghiệp Việt, nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng, tôi đang lo, nếu tâm lý sốt ruột, muốn có thành tích ngay trong thu hút đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô vào trước, thì sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Đây là lúc phải thay đổi cả quan niệm về phát triển doanh nghiệp, sẽ không có doanh nghiệp chung chung mà phải định vị vai trò doanh nghiệp tư nhân lớn, vị trí doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cả nỗ lực tháo gỡ cho doanh nghiệp nhà nước, không để cổ phần hóa chỉ được vài chục phần trăm.

Hai năm nay, khu vực tư nhân tốt lên rõ rệt. Sự tốt lên này có công lớn của cách tiếp cận đường lối chính sách, coi tư nhân là động lực quan trọng. Và không chỉ coi, Chính phủ đã rất nỗ lực cùng với các bộ, ngành triển khai.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, tộc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI chậm lại, điều kiện giải ngân đầu tư công chậm, mà nền kinh tế vẫn giữ tăng trưởng tốt, có nghĩa là có vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn lên.

Rõ ràng, cải cách thể chế đã có tác động mạnh đến khu vực này.

Cũng có nhiều người nói, ba năm vừa rồi giải ngân đầu tư công chậm, nên  mới có cơ hội cho khu vực tư nhân...

Tôi muốn đặt vấn đề ngược lại, rằng nếu giải ngân đầu tư công tốt lên, động lực nhà nước tốt lên, FDI cũng tốt lên, thì nền kinh tế như có đôi cánh vẫy lên mạnh mẽ và đều, tăng trưởng có thể đạt tới 8 -9% chứ không chỉ khoảng 7% như hiện tại.

Điều này hàm ý, giải quyết thể chế cho cả nền kinh tế, để từng khu vực thoát lên, không kiềm chế, lấn át nhau, thì doanh nghiệp sẵn sàng làm tốt, xã hội được lợi. Khi đó, nền kinh tế sẽ bay lên bằng tất cả sức lực.

Hơn thế, khi khu vực tư nhân trong nước được giải phóng, tốt cả về số lượng, chất lượng, bài toán cân bằng khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI sẽ được giải quyết. Đây cũng là động lực cho việc chuyển sang chính sách FDI mới, với tầm công nghệ tốt hơn, kết nối chuỗi tốt hơn với thế giới, chứ không thể để tình trạng số vốn một dự án FDI quá nhỏ, chỉ bằng 2/3 hay một nửa quy mô của năm 2017, dấu hiệu của những doanh nghiệp di trú gắn với thương chiến Mỹ - Trung...

Các vấn đề của nền kinh tế, của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ nằm trong năm 2020, nhưng năm 2020 quan trọng vì là năm chúng ta định vị, định hình cách Việt Nam thay đổi trong thế giới đang biến đổi rất nhanh và mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang nói về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, về vinh dự và trách nhiệm của mỗi người trong nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực. Ông đang mơ ước điều gì?

Tôi muốn nói đến 3 điều ước, cũng là điều mà tôi đang thúc đẩy.

Một là, một khu vực tư nhân được đối xử bình đẳng, cho doanh nghiệp tư nhân một tư thế, tư cách.

Hai là, một xã hội ngày càng công khai, minh bạch, để người Việt có thể làm chủ được.

Ba là, Việt Nam có môi trường khởi nghiệp dựa trên nền tảng mới.

Ba điều này sẽ thay đổi chân dung Việt Nam theo hướng trong sáng, lành mạnh hơn, tạo cơ hội cho mọi người.

Tin bài liên quan