Theo đó, với kịch bản giá dầu bình quân dự kiến 60 USD/thùng và giá LGP bình quân 450 USD/tấn mà Quốc hội đã thông qua, PGS dự kiến doanh thu đạt 5.107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 412, 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quý Hiệu, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PGS, nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới duy trì 30 - 40 USD/thùng như hiện nay thì doanh thu cả năm của Công ty dự kiến là 4.888 - 4.945 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 336 - 365 tỷ đồng. Quý I/2016, Công ty đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng. Cổ tức năm 2016 dự kiến ở mức 30%.
Hiện PGS đang chiếm hầu hết thị phần khu vực miền Nam, Công ty không có kế hoạch cạnh tranh thị trường với CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc và CNG Việt Nam. Thay vào đó, Công ty sẽ tìm kiếm khách hàng tiêu thụ CNG trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải. Theo đó, PGS dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ khí nén CNG 100 - 110 triệu m3 khí, đón đầu chủ trương mới của Thành phố trong việc đưa vào sử dụng 500 xe buýt chạy bằng khí nén CNG. PGS đã thành lập 4 trạm cung cấp CNG tại TP. HCM và 2 trạm tại Bà Rịa -Vũng Tàu. Năm 2016, PGS sẽ đẩy mạnh công tác bán lẻ khí LPG, đưa ra sản phẩm mới bình gas 12kg, với tên gọi PV Dầu khí.
Về đầu tư, trong năm nay, PGS dự kiến tổng giá trị thực hiện đầu tư 140,2 tỷ đồng với 2 dự án chuyển tiếp và một dự án thi công mới. Trong đó, Công ty sẽ giải ngân 105,8 tỷ đồng, bao gồm di dời kho và trạm chiết Đồng Nai, đưa vào sử dụng trạm chiết LPG mới tại Cà Mau, đồng thời nâng cấp mở rộng kho và trạm chiết tại Cần Thơ. Các dự án này dự kiến hoàn thành trong quý IV/2016.
Năm 2015, giá dầu thô giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty. PGS đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với mức giá dầu bình quân thực tế năm 2015 là 55 USD/thùng và giá LPG là 423 USD/tấn. Kết thúc năm, sản lượng tiêu thụ khí nén CNG đạt 183 triệu m3 khí, doanh thu đạt 5.956 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 226,9 tỷ đồng.