Báo cáo tại đại hội ngày 12/4, ông Trịnh Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGC cho biết, năm 2016, Tổng công ty đạt tổng doanh thu 2.379 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 140,352 tỷ đồng. PGC dự kiến chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 12%, vào ngày 12/6/2017. Năm 2017, Hội đồng quản trị đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.502 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 145 tỷ đồng, cổ tức 12%.
Tài liệu họp đại hội của PGC ghi rõ các chỉ tiêu trên, nhưng ông Vũ Hồng Khánh, Tổng giám đốc PGC cho hay, kế hoạch lợi nhuận sau đó được nâng lên 150 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Liên quan tới câu chuyện cạnh tranh thị phần, đại diện một cổ đông tổ chức nêu ý kiến rằng, trước đây, đối thủ cạnh tranh của PGC là Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) luôn thống lĩnh thị phần (chủ yếu bán buôn), nhưng lợi nhuận của PGC luôn đứng đầu nhờ mảng bán lẻ. Hiện tại, PVGas đã xây dựng đề án đến năm 2020 với chủ trương tập trung vào bán lẻ, các doanh nghiệp khác cũng ngày càng chú trọng hơn ở mảng này, PGC có biện pháp nào bảo vệ thị phần của mình?
Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Quang Vinh cho biết, đây là một thách thức với PGC, tuy nhiên Công ty vẫn có lợi thế lớn về mạng lưới phân phối thông qua hệ thống bán lẻ xăng dầu của Petrolimex. PGC sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông và khai thác triệt để cơ sở sẵn có của Công ty mẹ, đồng thời hy vọng chính sách của Nhà nước sẽ hạn chế được tình trạng buôn bán gas lậu như hiện nay.
Liên quan đến định hướng phát triển giai đoạn 2017 - 2022, giải đáp thắc mắc của cổ đông về kế hoạch nghiên cứu, triển khai sản phẩm mới (khí CNG, LNG…) trong thời gian tới, ông Vinh cho hay, từ nhu cầu của thị trường, PGC muốn tham gia, nhưng chi phí đầu tư rất lớn, hàng chục triệu USD, Tổng công ty sẽ cân nhắc kỹ và có thể chỉ tiếp cận ở khâu phân phối.
Một số chỉ tiêu chính của kế hoạch 5 năm 2017 - 2022 được PGC đưa ra là duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân hàng năm từ 5 - 7%, lợi nhuận hợp nhất tăng 3 - 5%/năm, cổ tức tối thiểu 12%/năm.