Pfizer tạm thời giảm cung cấp vắcxin phòng COVID-19 tới châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
FHI cho biết việc giảm lượng vắcxin giao hàng là do Pfizer hạn chế sản lượng để có thể tăng năng lực sản xuất từ mức 1,3 tỷ liều hiện nay lên 2 tỷ liều mỗi năm.
Vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và Viện Y tế công cộng (FHI) của Na Uy ngày 15/1 thông báo Pfizer sẽ tạm thời giảm cung cấp vắcxin phòng bệnh COVID-19 cho châu Âu, trong khi tăng năng lực sản xuất.

Trong một tuyên bố, FHI cho biết đã nhận được thông tin trên của Pfizer. Theo kế hoạch, Na Uy có thể nhận 43.875 liều vắcxin, do hãng Pfizer phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất. Tuy nhiên, với thông báo trên, Na Uy sẽ chỉ nhận được 36.075 liều.

FHI cho biết việc giảm lượng vắcxin giao hàng là do Pfizer hạn chế sản lượng để có thể tăng năng lực sản xuất từ mức 1,3 tỷ liều hiện nay lên 2 tỷ liều mỗi năm. Hiện chưa rõ sẽ mất bao lâu Pfizer có thể đưa năng lực sản xuất lên mức tối đa, nhưng việc giảm lượng giao hàng tạm thời này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nước châu Âu.

Pfizer cho biết đã phải sửa đổi quy trình và cơ sở. Điều này cũng sẽ kéo theo việc phải phê duyệt bổ sung. Hãng nêu rõ mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng tạm thời đến việc phân phối vắcxin trong khoảng từ cuối tháng Một đến đầu tháng Hai, nhưng nó sẽ giúp tăng đáng kể số liều vắcxin sản xuất ra vào cuối tháng Hai và tháng Ba.

Na Uy không thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đang được tiếp cận với vắcxin của liên minh nhờ Thụy Điển - một thành viên EU sẽ mua nhiều hơn nhu cầu và bán lại.

FHI khẳng định việc Pfizer giao hàng chậm sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân Na Uy bởi nước này đã tiến hành dự trữ vắcxin.

Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết đã nhận được lượng vắcxin thấp hơn mong đợi, đồng thời than phiền việc không chắc chắn trong vấn đề giao hàng.

Trong khi đó, cùng ngày, Paraguay đã trở thành quốc gia thứ tám ngoài Nga, phê duyệt việc lưu hành vắcxin ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V, do Viện Gamaleya phát triển. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cho biết Paraguay đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắcxin Sputnik V, dựa trên dữ liệu thử nghiệm do Moskva cung cấp.

Cũng trong ngày 15/1, ông Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nam Phi - đang giữ cương vị Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), cho biết sẽ phân phối vắcxin cho các nước thành viên dựa trên quy mô dân số của các nước.

Tổng thống Nam Phi cho biết AU đã đặt mua vắcxin của Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson cùng AstraZeneca/Đại học Oxford và vắcxin sẽ được chuyển đến trong năm nay.

Hiện chưa có quốc gia châu Phi nào bắt đầu chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên quy mô lớn và 270 triệu liều mà AU đặt mua sẽ chỉ đủ cho khoảng 10% dân số của châu lục gồm khoảng 1,3 tỷ người.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở "Lục địa Đen" hiện đã vượt 3,1 triệu người, trong đó 76.000 người không qua khỏi.

Tin bài liên quan