Giá dầu cao tiềm ẩn những yếu tố khó lường.
Tăng trưởng cao so với cùng kỳ
Tháng 2, tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước xuất hiện một số điểm sáng cho thấy tín hiệu phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Đặc biệt, tác động từ tình hình xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao.
Mặc dù giá dầu tăng hỗ trợ cho hoạt động dầu khí nhưng cũng đem lại rủi ro do thị trường biến động nhanh, khó dự báo; chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến tiêu thụ; lĩnh vực dịch vụ tiếp tục khó khăn về việc làm.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Kỳ vọng về khả năng tiêu thụ điện, khí của các ngành kinh tế có phục hồi so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn dự báo tăng trưởng.
Do nắm bắt xu hướng giá dầu trên thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật, gia tăng sản lượng trong điều kiện cho phép.
Kết quả, khai thác dầu tháng 2 đạt 0,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch tháng 2; lũy kế 2 tháng đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch 2 tháng. Sản xuất xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra; sản xuất điện, khí gia tăng so với tháng trước.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 54.980 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch tháng; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 118.730 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 2 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Nộp ngân sách toàn Tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 9.100 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch tháng; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 18.050 tỷ đồng vượt 52% kế hoạch 2 tháng và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.
Những kết quả ấn tượng này cũng được cho là không lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô mà trải đều ở tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn.
Trong tháng 2, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi số, tạo tiền đề cho công tác triển khai chuyển đổi số được thành công và đồng bộ trong toàn Tập đoàn.
Tổng giám đốc Tập đoàn tiếp tục tổ chức các cuộc họp về công tác triển khai kế hoạch năm 2022 tại hầu hết các đơn vị, khẳng định mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu để làm tiền đề cho phát triển bền vững.
Tập đoàn cũng đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác ngoại giao dầu khí với các nước (Rumani, Australia…), cũng như hợp tác các tỉnh thành trong cả nước tiếp tục được triển khai tích cực.
Ngày 23/2/2022, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 1. Đây là mốc tiến độ rất quan trọng tạo tiền đề tích cực cho việc tiếp tục hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng còn lại của dự án gồm: phấn đấu hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1 vào ngày 30/4/2022 và đốt lửa bằng than vào 16/6/2022.
Đối với Dự án Nhà máy điện Sông Hậu 1, Ban quản lý dự án và người lao động trên công trường nỗ lực bám sát tiến độ vận hành thương mại vào ngày 15/3/2022 và tiến tới tổ chức khánh thành trong tháng 5/2022.
Dồn lực ứng phó với tình hình mới
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã tổ chức cuộc họp để nhận định những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam, đồng thời ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác dự báo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.
Tại cuộc họp giao ban, lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị tiếp tục thảo luận, trao đổi về những tác động, ảnh hưởng cụ thể đã và có thể xảy ra, đồng thời đưa giải pháp ứng phó.
Theo nhận định, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga do đó sẽ gặp phải những khó khăn/rào cản trong tương lai, nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế; nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển; những tác động khi các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng có khả năng bị đảo lộn; áp lực lạm phát, tốc độ chuyển dịch năng lượng, cũng như các rủi ro tiềm ẩn trước những biến động, thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam nhấn mạnh, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn, khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng…
PVEP hiện đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư, nhằm đáp ứng trước biến động của thị trường, dự phòng rủi ro, cũng như tận dụng những cơ hội có thể có.
Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cũng cho biết, Vietsovpetro đang theo dõi sát sao tình hình, xem xét và đề ra các phương án ứng phó trước tác động của xung đột chính trị và tùy theo tình hình diễn biến có kịch bản ứng phó tương ứng.
Phát biểu chỉ đạo, ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn vì xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn là xu thế bao trùm chính yếu không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc.
Theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, trong thời gian tới cần tiếp tục cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine để điều hành kịp thời với thực tiễn; cập nhật, dự báo tình hình thị trường: giá cả, cung – cầu, tồn kho,… với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả; ứng phó linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới.
Cụ thể, các đơn vị liên quan cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực, rà soát các vấn đề liên quan về thách thức và cơ hội, để chủ động xử lý, ứng xử phù hợp, tận dụng cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là rủi ro khi thị trường đảo chiều.
Tổng giám đốc Petrovietnam cũng giao các Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực theo dõi sát sao hoạt động của các đơn vị trong khối, giải quyết kịp thời kiến nghị của các đơn vị, phối hợp trong dự báo, điều chỉnh kế hoạch, quản trị danh mục đầu tư, phát triển chuỗi liên kết giá trị hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các đơn vị; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn, hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong dịch chuyển mô hình kinh doanh, thay đổi, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh; đón đầu xu hướng thông qua nghiên cứu khoa học dài hạn, nghiên cứu phát triển, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với nhu cầu thị trường.