10 năm trước, PetroChina chạm đỉnh ngay trong ngày giao dịch đầu tại Thượng Hải và trở thành công ty đạt vốn hóa nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, đại gia năng lượng Trung Quốc đã mất gần 800 tỷ USD kể từ đó. Con số này đủ để mua mọi công ty niêm yết ở Italy, hoặc bao quanh Trái Đất 31 vòng bằng tờ 100 USD.
Đây cũng là số vốn hóa bị mất lớn nhất thế giới. Việc này có thể còn chưa dừng lại.
Các nhà phân tích trong khảo sát của Bloomberg dự báo trong 12 tháng tới, cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của hãng này sẽ mất thêm 16% nữa, xuống thấp kỷ lục. Hiện mã này có giá 8,13 NDT, với vốn hóa khoảng 1.406 tỷ NDT (211 tỷ USD).
Cổ phiếu này đã chịu tác động từ sự thay đổi chính sách kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Trong đó có việc Chính phủ không dựa vào hàng hóa để thúc đẩy tăng trưởng, và hạn chế đầu cơ chứng khoán.
Hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) của PetroChina hiện là 36, cao gấp rưỡi nhiều công ty cùng ngành trên thế giới.
Việc giá dầu giảm 44% trong 10 năm qua và kế hoạch khuyến khích xe điện của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình càng khiến giới phân tích bi quan.
Biến động giá của cổ phiếu PetroChina tại Thượng Hải trong 10 năm qua.
“Quãng thời gian sắp tới của PetroChina sẽ rất khó khăn”, Toshihiko Takamoto - Giám đốc Asset Management One nhận xét, “Ai sẽ mua cổ phiếu có P/E hơn 30 chứ?”.
Dĩ nhiên, rất nhiều yếu tố khiến cổ phiếu PetroChina đi xuống nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Khi niêm yết tại Thượng Hải năm 2007, bong bóng giá dầu và chứng khoán Trung Quốc chuẩn bị vỡ vụn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng sắp nổ ra.
So với mức giảm 73% của chỉ số theo dõi các công ty năng lượng Trung Quốc CSI 300 Energy trong 10 năm qua, mức giảm 82% của PetroChina cũng không phải quá ngạc nhiên.
Dù vậy, nhà phân tích Nelson Wang tại Citigroup chỉ ra phần lớn cổ phiếu PetroChina nằm trong tay Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, ảnh hưởng của việc đi xuống với nhà đầu tư thiểu số cũng không lớn.
Trong khi đó, trên sàn Hong Kong - nơi PetroChina niêm yết từ tháng 4/2000, cổ đông lại đang hưởng lợi. Cổ phiếu hãng này tại đây đã cho lợi nhuận 735% từ khi mới giao dịch, vượt xa mức tăng của chỉ số Hang Seng Index.
Số cổ phiếu họ niêm yết trên sàn này chiếm 12% tổng cổ phiếu đang lưu hành của PetroChina. Mã này được dự báo tăng 31% trong năm tới.
Một năm qua, giới chức Trung Quốc vẫn tìm cách kiềm chế biến động của cổ phiếu, để tránh lặp lại bong bóng như năm 2007 và 2015. Vì vậy, triển vọng của cổ phiếu PetroChina tại Thượng Hải vẫn còn rất u ám.
Và kể cả nếu Chính phủ Trung Quốc lỏng tay kiểm soát, thị trường giờ cũng thích các hãng công nghệ và tiêu dùng hơn là những lĩnh vực của nền kinh tế cũ, như dầu mỏ.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nước này cần ưu tiên tăng trưởng thân thiện với môi trường. Họ muốn khuyến khích xe điện và hạn chế khí thải CO2.
Khi được hỏi liệu PetroChina có thể quay lại mức đỉnh năm 2007, Andrew Clarke - Giám đốc Giao dịch tại Mirabaud Asia cho rằng: “Có thể ngày nào đó. Nhưng tôi chắc là mình không còn sống đến ngày đó đâu”.