Sở hữu 11% vốn vẫn không thể đưa người vào HĐQT
Đại diện nhóm cổ đông sở hữu 11% tại PCT cho rằng, nhân sự của HĐQT PCT hiện nay hầu hết đều đến từ Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), cổ đông chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu 22%. Do vậy, nhóm cổ đông này có đầy đủ điều kiện tham gia vào hoạt động quản trị Công ty. Tuy nhiên, ý kiến này từ nhóm cổ đông sở hữu 11% ngay lập tức bị đa số thành viên HĐQT phản đối, đặc biệt là các thành viên đến từ PVT.
Ông Hồ Sỹ Thuận, thành viên HĐQT PCT (đồng thời là Trưởng ban Khai thác PVT) cho biết, với số lượng thành viên là 5 người, HĐQT PCT vẫn đang điều hành hoạt động của Công ty tương đối thuận lợi và không có nhu cầu bổ sung thêm thành viên.
Ngay sau đó, Đại hội đã tiến hành biểu quyết lấy ý kiến cổ đông về chương trình nghị sự. Kết quả, nội dung tờ trình về việc giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT của PVT được đưa vào chương trình Đại hội và được thông qua với tỷ lệ 62,68%.
Tuy nhiên, đại diện nhóm cổ đông sở hữu 11% lại cho rằng, tỷ lệ gần 63% tán thành là chưa đủ điều kiện để nội dung được thông qua, mà phải là 65% như trong Điều lệ hiện hành của Công ty.
Trước phản ứng của nhóm cổ đông lớn, ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT PCT băn khoăn, việc thay đổi hay giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT nằm trong hoạt động tái cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty. Theo Điều lệ, nội dung này phải đạt tỷ lệ biểu quyết là 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mới được thông qua. Nếu thông qua tờ trình, bất chấp Điều lệ cũng như quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của cổ đông. “Đây là điểm mờ về mặt luật pháp mà Công ty cần phải lưu ý”, ông Huy nói.
Tuy nhiên, theo lý giải của một cổ đông, đồng thời cũng là nhân viên của PCT, việc thông qua tờ trình giữ nguyên HĐQT là hoàn toàn đúng luật. Cổ đông này cho rằng, theo khoản 1 và 2, Điều 20, Điều lệ Công ty thì vấn đề xem xét số lượng thành viên HĐQT không nằm trong các vấn đề mà Luật cũng như điều lệ quy định bắt buộc phải có tỷ lệ tán thành tối thiểu 65% nên về cơ bản nội dung này có thể được thông qua nếu đạt tỷ lệ ít nhất 51%.
Năm 2015, nhân sự cấp cao của PCT có nhiều biến động. Cụ thể, ngày 27/3/2015, ông Hồ Sĩ Thuận được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Thanh Sơn, ông Sơn trở thành thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PCT. Chưa đầy hai tháng sau, ngày 21/5/2015, ông Phạm Quang Huy được đề cử vào HĐQT thay cho ông Trần Xuân Thành và ngay sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT PCT thay cho ông Hồ Sĩ Thuận.
Dù cuối cùng HĐQT của PCT vẫn giữ nguyên 5 người, nhưng việc Đại hội thông qua tờ trình giữ nguyên này ở tỷ lệ 62,68% có đúng luật hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ.
Cổ đông phủ quyết kế hoạch đầu tư mới
Ngay từ khi thành lập mảng vận tải LPG bằng xe bồn được xác định là lĩnh vực hoạt động trọng yếu của Công ty. Căn cứ kết quả kinh doanh thực tế qua các năm, Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy lĩnh vực này không mang lại lợi nhuận tốt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của PCT năm 2015 đạt 16,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 4,3 tỷ đồng, khoản lợi nhuận khác hơn 17 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc thanh lý tài sản. Theo Giám đốc PCT, tính đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận trước thuế ghi nhận từ hoạt động vận chuyển LPG chỉ đạt 1,6 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, bên cạnh thu hẹp hoạt động kinh doanh vận tải LPG, Công ty cũng sẽ thu hẹp và tiến tới việc ngưng kinh doanh trong lĩnh vực taxi. HĐQT PCT dự kiến sẽ bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới, trong đó có vận tải biển. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư đội xà lan chở hàng rời trọng tải đến 10.000 tấn với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng mà lãnh đạo PCT đưa ra ngay lập tức bị phủ quyết bởi đa số cổ đông tại Đại hội.
Trừ kế hoạch đầu tư xà lan 260 tỷ đồng bất thành, tổng mức đầu tư dự kiến của PCT trong năm nay là hơn 63 tỷ đồng (mua 30 xe văn phòng các loại và 3 xe bồn vận chuyển khí hóa lỏng LPG). Năm nay, PCT đặt chỉ tiêu doanh thu 950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15,2 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015.