Trong bối cảnh đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, mục tiêu tăng trưởng trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước, mà phải là tăng trưởng bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Tín dụng xanh là một trong những công cụ tài chính tài trợ cho các chương trình, dự án, sáng kiến thân thiện với môi trường, nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp tối ưu hóa, tái tạo nguồn năng lượng, quan tâm tới các vấn đề về môi trường.
Ba năm trở lại đây, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió được ưu tiên phát triển và thực tế đã đạt được những bước tiến nhanh chóng.
Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, đồng nghĩa với nhiều tỷ USD được đầu tư mỗi năm. Dòng vốn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng để giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa các dự án này.
Đầu tháng 11/2021, cụm dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng công suất 144 MW gồm 3 dự án Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên được Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) đầu tư xây dựng cùng đối tác góp vốn là Renova chính thức được công nhận vận hành thương mại.
Các dự án này được tài trợ từ khoản vay hợp vốn của ba bên, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan tài trợ xuất khẩu Úc (EFA).
Khoản vay này do ADB thu xếp và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính. Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam và đã được chứng nhận là khoản vay “xanh” bởi Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận Trái phiếu khí hậu quốc tế.
Ông Jackie B. Surtani, Trưởng ban Tài trợ cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB, cho biết, các nhà máy Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên sẽ bổ sung vào kinh nghiệm dày dặn của ADB trong các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam.
“Đây là dự án mang tính cột mốc, cho thấy nguồn tài trợ tư nhân có thể được huy động hiệu quả như thế nào để phát triển các dự án điện gió ở châu Á - Thái Bình Dương”, đại diện ADB khẳng định.
Về phía EFA, giá trị đóng góp trong khoản hợp vốn tài trợ cho các dự án điện gió của PCC1 là 32 triệu USD (41 triệu AUD). Một trong những trụ cột của chiến lược đầu tư của tổ chức này là lựa chọn các tổ chức, dự án đảm bảo trách nhiệm cao đối với xã hội và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị PCC1 chia sẻ: “Việc hợp tác thành công với ADB, JICA, EFA và các tổ chức tài chính quốc tế đã khẳng định vị thế, uy tín và năng lực tài chính của PCC1 trên cả thị trường trong nước và quốc tế ”.
Nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên do PCC1 và Renova hợp tác đầu tư xây dựng và vận hành với tổng công suất phát điện dự kiến 422 GWH/năm sẽ góp phần cắt giảm phát thải 162.430 tấn CO2 mỗi năm.
Cùng với 7 nhà máy năng lượng tái tạo đang vận hành, trung bình mỗi năm, PCC1 sẽ góp phần cắt giảm hơn 500.000 tấn CO2.
Cùng với đó, trong quá trình xây dựng và vận hành, các nhà máy tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội, đồng thời, góp phần tích cực vào việc nâng cao sinh kế và bình đẳng giới, cũng như phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
PCC1 với gần 60 năm xây dựng và phát triển, đã và đang làm chủ công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến với vai trò là tổng thầu EPC uy tín, năng lực cho các dự án truyền tải điện siêu cao áp và các nhà máy năng lượng tái tạo.
Đồng thời, PCC1 cũng là chủ đầu tư của nhiều nhà máy năng lượng tái tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế về môi trường xã hội, mục tiêu công suất phát điện đạt 700 MW hòa lưới quốc gia vào năm 2025, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn điện sạch của Việt Nam.