PBOC: Khủng hoảng Evergrande cần phải giải quyết theo cách của thị trường

PBOC: Khủng hoảng Evergrande cần phải giải quyết theo cách của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người đứng đầu ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết việc Evergrande không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ là một sự kiện thị trường và sẽ được giải quyết theo cách định hướng thị trường.

“Quyền và lợi ích của các chủ nợ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ theo thứ tự ưu tiên hợp pháp”, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết hôm thứ Năm (9/12).

Các bình luận nêu trên đã đưa ra tín hiệu mới nhất rằng Bắc Kinh sẽ không cứu Evergrande khi công ty phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Sau bình luận của Thống đốc PBOC, Fitchs Ratings đã hạ xếp hạng của Evergrande xuống RD (Restricted Default – vỡ nợ giới hạn) do không đáp ứng được khoản thanh toán lãi trái phiếu trị giá 82,5 triệu USD sau khi thời gian ân hạn kết thúc vào ngày 6/12. Đây là một động thái có thể gây ra các vụ vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 19,2 tỷ USD của Evergrande.

Fitchs Ratings cũng hạ xếp hạng Kaisa Group Holdings xuống RD với lý do công ty này không trả được lãi trái phiếu trị giá 400 triệu USD đáo hạn vào ngày 7/12.

Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital ở Hồng Kông cho biết: “Việc hạ cấp có thể không có tác động công khai hoặc ngay lập tức đến quy trình của Trung Quốc, nhưng có thể gia tăng áp lực lên công ty và các cơ quan quản lý để nhanh chóng tiết lộ các đề xuất tái cơ cấu ban đầu".

Ông Yi cho biết, Hồng Kông (Trung Quốc) đã thiết lập một hệ thống hiệu quả và xác định rõ các quy định pháp luật để giải quyết những vấn đề như vậy. Rủi ro từ một số công ty trong ngắn hạn sẽ không làm suy yếu hệ thống tài chính của Hồng Kông trong dài hạn.

Việc Bắc Kinh miễn cưỡng trong việc bảo lãnh Evergrande phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng các nhà chức trách sẽ không hỗ trợ cho những khoản nợ chồng chất lớn đe dọa sự ổn định tài chính. PBOC đã nhắc lại vào thứ Sáu (9/12) rằng có thể hạn chế được những rủi ro gây ra cho nền kinh tế bởi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, với lý do “sự quản lý kém của chính nhà phát triển bất động sản” và “sự mở rộng liều lĩnh” đối với những vấn đề mà công ty phải đối mặt.

Các nhà chức trách đã hành động để hạn chế sự thất thoát từ cuộc khủng hoảng của Evergrande. Hôm thứ Hai (6/12), PBOC cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cùng ngày, một cuộc họp của Bộ Chính trị đã báo hiệu các biện pháp nới lỏng hơn đối với thị trường bất động sản. Điều đó đã giúp ổn định thị trường tài chính của đất nước với Chỉ số CSI 300 đã hướng tới mức tăng tốt nhất kể từ tháng 5. Trái phiếu rác (junk bond) bằng đồng USD của Trung Quốc cũng đã tăng trong ba ngày liên tiếp.

Kaisa là nhà phát hành trái phiếu đô la lớn thứ ba trong số các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc với 11,6 tỷ USD chưa thanh toán. Công ty này cũng trở thành biểu tượng cho những năm bùng nổ của thị trường tín dụng Trung Quốc sau khi nổi lên do vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài vào năm 2015.

Từ lâu đã được nhiều nhà đầu tư xem là “too big to fail”, Evergrande hiện đã trở thành nạn nhân lớn nhất trong chiến dịch của chính quyền nhằm chế ngự các tập đoàn lớn quá mức và thị trường bất động sản quá nóng.

Trước tuần này, dữ liệu của Bloomberg cho thấy các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ 10,2 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài vào năm 2021, trong đó các công ty bất động sản chiếm 36% trên tổng số.

Tin bài liên quan