PBoC đã bắt đầu thu thập dữ liệu từ hệ thống tài chính online, được mệnh danh là hệ thống ngân hàng ngầm, nơi cung cấp các khoản vay đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Thị trường cho vay này đã tăng trưởng 30% trong năm ngoái, với giá trị các khoản vay đạt 53 nghìn tỷ nhân dân tệ (8,1 nghìn tỷ USD), tương đương 4/5 GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo số liệu của Moody’s Investors Service.
Hệ thống tài chính online bao gồm cả các sàn giao dịch cho vay ngang hàng (peer – to – peer lending), nơi kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay thông qua website, ứng dụng di động… Mô hình này hoạt động theo phương thức: người vay có thể nộp đơn xin vay vì bất kỳ mục đích gì, kể cả vay tiền mua sắm, đi du lịch, sàn giao dịch ngang hàng sẽ kết nối họ với các nhà đầu tư – những người cung cấp khoản vay để được trả lãi hàng tháng. Mỗi khoản vay được chấm điểm dựa trên lịch sử tín dụng và thu nhập của người vay để đưa ra hạn mức tín dụng và lãi suất.
Thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro bởi nó không tuân thủ theo các quy tắc nghiêm ngặt thông thường tại ngân hàng: các sàn giao dịch không xác định mức độ tín nhiệm, khả năng tài chính của người vay; không quan tâm tới bảo hiểm tài chính hay các vấn đề pháp lý khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, PBoC đang dần chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, đã thực hiện từ cuối năm 2014, sang giám sát và kiểm soát thị trường tài chính cũng như các rủi ro mà nợ xấu gây ra, bởi các hiểm họa này đang đe dọa sẽ làm trật bánh tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, vai trò của PBoC ngày càng được nâng cao, khi Chính phủ Trung Quốc đang “đại tu” toàn diện các quy tắc luật pháp tại quốc gia này.
“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cảm thấy cần nhanh chóng nâng cao khả năng giảm sát của mình. Hệ thống tài chính online vẫn đang ở trong bóng tối, có sức hấp dẫn rất lớn với số đông người dân, những người dễ tổn thương hơn các thể chế kinh tế, nhờ mức lợi nhuận cao mà hoạt động này mang lại”, Lu Zhengwei, nhà kinh tế trưởng tại Industrial Bank Co (Thượng Hải) cho biết.
Theo Yingcan Group, công ty chuyên theo dõi số liệu tại các thị trường tài chính, hơn 90% trong số gần 4.000 ngân hàng ngầm cam kết sẽ mang về mức lợi nhuận từ 8 – 24% cho các nhà đầu tư của mình. Tại Trung Quốc, ước tính có 2,9 triệu nhà đầu tư tham gia vào hệ thống ngân hàng ngầm này.
Sheng Songcheng, Trưởng bộ phận thống kê tại PBoC cho biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập tiêu chuẩn mới để xác định các nguy cơ tiềm ẩn và sẽ công bố các vấn đề phát hiện được. Theo đó, kế hoạch này đã bắt đầu được thực hiện vào đầu tháng 5/2016, đặc biệt tập trung vào việc các khoản vay được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên, PBoC cần có thêm thời gian để hoàn thiện các vấn đề pháp lý với Cơ quan Thống kê quốc gia để thu thập một số dữ liệu một cách hợp pháp.
Động thái này của PBoC tất nhiên có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của hệ thống các ngân hàng ngầm, cũng như các công ty tài chính trên thị trường. Zhang Lei, Phó chủ tịch Yinker Group, một công ty tài chính online tại Bắc Kinh cho biết: PBoC đang ngày càng nghiêm ngặt hơn với các khoản vay ngang hàng. Từ đầu tháng 5, các công ty tài chính tại Bắc Kinh đều được yêu cầu công bố các thông tin về việc cho vay, sử dụng các khoản vay và các bên thứ ba liên quan tới nguồn tiền nếu có.
Bên cạnh đó, PBoC cũng đang bàn bạc với các ngân hàng để thành lập một sàn giao dịch các hóa đơn tài chính. Thị trường này, vốn được biết đến như là các giao dịch ngân hàng chấp nhận thanh toán, đã từng là một phần của hệ thống ngân hàng Trung Quốc với chức năng cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Theo PBoC, thị trường giao dịch mua bán nợ tại Trung Quốc, có giá trị vào khoảng 788 tỷ USD, trong 2 năm qua đã tăng gấp đôi kích cỡ. Đây là nơi chứa đựng nhiều cạm bẫy, bởi 80% các giao dịch được lưu trên giấy, thay vì lưu trữ điện tử, gian lận là chuyện thường ngày và các giao dịch bất hợp pháp thường được sử dụng để đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc bất động sản.
Tờ Caixin đưa một nguồn tin giấu tên cho biết, Xu Zhong, giám đốc bộ phận thị trường tài chính của PBoC sẽ trở thành người đứng đầu sàn giao dịch này tại Thượng Hải.