Kiếm lời siêu nhanh kiểu passion investment
Passion Investment (PI) có văn phòng hoạt động tại tầng 26, Mipec Tower, số 229 Tây Sơn, Hà Nội - đang là cái tên "nóng" trên thị trường chứng khoán hiện tại.
“Nóng” là bởi cách thức mời chào nhà đầu tư bỏ vốn, cũng như sự lập lờ của Passion Investment trong cách tính lời lãi, có thể khiến nhà đầu tư nhầm lẫn.
Tại website của Công ty (địa chỉ: www.pif.vn), Passion Investment đã đăng tải nhiều nội dung nhằm thu hút nhà đầu tư rót tiền đầu tư vào sản phẩm của Công ty, cũng như “người anh em” - Công ty cổ phần Hestia (đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, với mã chứng khoán HSA).
Chẳng hạn, để kêu gọi đầu tư, Passion Investment quảng cáo: “Đầu tư tài chính thông minh chỉ từ 20 triệu đồng. 20 triệu đồng/năm x 10 năm liên tiếp x 20% = 623 triệu đồng…”; “Nghỉ hưu sau 40 năm với 122 tỷ đồng, thời gian + lãi suất kép + lợi nhuận 20%/năm = Tự do tài chính”… Kèm theo những lời chào mời này là nội dung kêu gọi “đầu tư ngay”.
Cùng với những công thức kiếm lời… siêu nhanh, Passion Investment cũng dẫn ra những ví dụ để tạo sức hút với nhà đầu tư, chẳng hạn: “Giả sử bạn có 100 triệu đồng ở tuổi 25 và đem đầu tư với lợi nhuận 20%/năm.
Năm đầu tiên bạn chỉ lãi 20 triệu đồng. Năm thứ hai số lãi nhích lên thành 44 triệu đồng. Năm thứ 3 bạn lãi lên thành 72,8 triệu đồng, với tổng số tiền 172,8 triệu đồng. Tuy nhiên, một số kênh đầu tư khác với độ rủi ro cao đã có thể mang lại lợi nhuận gấp 3 hay hơn thế…
Như bài toán này, 100 triệu đồng ở năm thứ nhất với lợi nhuận 20%/năm chỉ mang lại lãi suất 20 triệu đồng năm đầu tiên, năm thứ hai tăng lên thành 44 triệu đồng... là khá ì ạch. Tuy nhiên, sau 40 năm, từ 100 triệu đồng đã thành 122 tỷ đồng…”.
Tiếp đó là lời dẫn dắt: “PI được thành lập vào năm 2015 bởi một nhóm các chuyên gia hàng đầu với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành quản lý quỹ đầu tư. PI là lựa chọn hoàn hảo, là kênh đầu tư hiệu quả, thay vì tự đối mặt với rủi ro khi bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính...”.
Với sản phẩm đầu tư Hestia, Passion Investment quảng cáo: "Đây là sản phẩm đầu tư theo mô hình Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett, số vốn yêu cầu thấp, lợi nhuận cao và bền vững, đội ngũ chuyên gia đầu ngành…".
Tiếp sau những lời quảng cáo, Passion Investment đưa ra Biểu đồ hiệu quả đầu tư của Công ty so sánh với VN-Index, Báo cáo hiệu quả đầu tư hàng tuần... như là những minh chứng cho "chiến tích" đầu tư của mình.
Chẳng hạn, tại báo cáo từ ngày 4-8/6/2018, Passion Investment thể hiện: Giá trị tài sản ròng (NAV) cuối kỳ của kỳ trước là 128,5 tỷ đồng, thì cuối kỳ tăng hơn 152 tỷ đồng. Báo cáo cũng thể hiện trong kỳ Passion Investment hút vốn từ nhà đầu tư qua sự thay đổi NAV do nhà đầu tư góp/rút vốn: Nếu như kỳ trước nhà đầu tư rút hơn 2,8 tỷ đồng, thì tại kỳ báo cáo, nhà đầu tư bơm vào hơn 5,2 tỷ đồng…
Để tạo lòng tin của nhà đầu tư, Passion Investment thường xuyên công khai Báo cáo danh mục đầu tư theo quý, theo năm bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Passion Investment còn “chịu chơi” khi thuê Hãng kiểm toán Deloitte để kiểm toán Báo cáo tài khoản đầu tư hợp tác kinh doanh cho năm tài chính 2017…
Để bổ trợ cho các công cụ thu hút nhà đầu tư trên, trên website của Passion Investment còn trích đăng dày đặc nội dung lấy từ các báo, các trang website nói về thành tích đầu tư của Công ty, cũng như trích dẫn ý kiến lãnh đạo UBCK. Đáng chú ý, các nội dung này đều không ghi thời gian đăng tải…
Passion Investment nói gì?
Theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính tại các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các lãnh đạo chủ chốt của Passion Investment như Tổng giám đốc Lã Giang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư Nguyễn Đức Khang… hẳn không lạ gì với quy định của pháp luật chứng khoán liên quan đến nội dung cấm hứa hẹn, đưa ra thông tin dễ gây hào hứng thái quá cho nhà đầu tư về hiệu quả đầu tư của các sản phẩm tài chính.
Vị này cho rằng, các lãnh đạo của Passion Investment đã thiết kế mô hình hoạt động Công ty theo hướng "nằm ngoài" phạm vi điều chỉnh của pháp luật chứng khoán…
Liên quan đến các hành vi bị cấm, Điều 9 - Luật Chứng khoán quy định: Trực tiếp, hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật, hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán...
Đặc biệt, Điều 73 luật này quy định về hạn chế đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có nội dung: Không được đưa ra nhận định, hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập, hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình, hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ…
Trong khi thị trường xì xào về dấu hiệu Passion Investment lách Luật Chứng khoán để huy động vốn và triển khai các hoạt động đầu tư na ná như một quỹ đầu tư chứng khoán, thì để thanh minh cho mối ngờ này, trên website của Công ty vừa xuất hiện “Thông báo đính chính của Passion Investment” với nội dung: "Thời gian vừa qua, một số trang báo có đưa tin Passion Investment hoạt động như 'một quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu' là chưa chính xác.
Chúng tôi xin đính chính lại: Công ty cổ phần Passion Investment không phải là quỹ đầu tư, mà là công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chịu sự quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội. Hoạt động của Công ty không phải là hoạt động của quỹ đầu tư, mà là hoạt động đầu tư chứng khoán, dựa trên nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty và các nguồn vốn huy động được từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh…".
Để làm rõ thực hư, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Lã
Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment. Tuy nhiên, ông Trung từ chối trả lời các câu hỏi với lý do không muốn nói gì ở thời điểm này…
Nhà quản lý vào cuộc
Vì không tìm được câu trả lời từ phía lãnh đạo Passion Investment về mối ngờ Passion Investment có lách luật hay không, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với đơn vị chức năng của UBCK.
Thông tin từ cơ quan này cho biết, qua nắm bắt thông tin từ thị trường, UBCK đã làm việc với Passion Investment để làm rõ những nghi vấn về sự không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho nhà đầu tư trong hoạt động của Công ty.
“Sau khi làm việc với UBCK, đại diện Passion Investment cam kết sẽ điều chỉnh các nội dung trên website, cũng như các hoạt động có thể gây hiểu lầm cho nhà đầu tư. Đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy Passion Investment đã có điều chỉnh và họ cam kết sẽ có những thay đổi tiếp theo để tránh gây hiểu lầm cho nhà đầu tư…”, nguồn tin từ UBCK cho hay.
Trả lời câu hỏi Passion Investment có lách Luật Chứng khoán để “né” những ràng buộc khắt khe về hoạt động huy động vốn, cũng như công bố thông tin về hiệu quả đầu tư, trong khi trên thực tế, các hoạt động này được triển khai tương tự mô hình của một quỹ đầu tư, phía UBCK cho rằng, Passion Investment hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nên phải tuân thủ các quy định, cũng như chế tài được quy định tại các luật này.
Nếu phát hiện Passion Investment vi phạm các quy định về hoạt động huy động vốn, quảng cáo, hứa hẹn về mức sinh lời khi đầu tư chứng khoán, UBCK sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm, tránh phát sinh những hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán, nhà đầu tư…
Mục sở thị “người anh em” của Passion Investment
Cổ phiếu HSA của CTCP Hestia - "người anh em" với Passion Investment - đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 23/1/2017, hiện treo ở giá 29.200 đồng/cổ phiếu, nhưng hầu như không có giao dịch. Tình trạng thanh khoản bằng 0 của HSA diễn ra nhiều tháng liền, khiến mức giá 29.200 đồng chỉ có giá trị tham khảo, nếu không muốn nói là bị “treo” ở đó.
Điều đáng nói là Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Passion Investment cũng đồng thời là Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc HSA. Các nhân sự này đều có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, nhưng không hiểu vì sao trong nội dung giới thiệu về các cá nhân này trên website của Passion Investment có một lỗi nhầm cơ bản. Đó là giới thiệu các nhân sự này đang làm lãnh đạo tại CTCP Hestia - công ty đang được "niêm yết" trên UPCoM với mã chứng khoán là HSA.
Thực tế, sàn UPCoM khác với sàn niêm yết. Nếu như sàn niêm yết, các doanh nghiệp phải có tiêu chuẩn về sức khỏe tài chính trước khi lên sàn và phải công bố thông tin định kỳ hàng quý (theo Thông tư 202/2015/TT-BTC), thì các doanh nghiệp lên sàn UPCoM chỉ thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch khi là công ty đại chúng (theo Thông tư 180/2015/TT-BTC), hoàn toàn không có tiêu chuẩn về sức khỏe tài chính.